Ông cũng sẽ nói thêm,
“Tự do có thể đạt được miễn phí nhưng thường bạn cần phải trả giá để có được tự
do về tài chính.”
Quyển sách này dành cho
những ai sẵn sàng “trả giá”
Lời nói đầu
BẠN THUỘC NHÓM NGƯỜI
NÀO?
Kim tứ đồ là cách để
phân loại mọi người dựa trên xuất xứ nguồn tiền của họ
Bạn có tự do về tiền bạc
không? Khi bạn đang phải vật lộn với tài chính trong cuộc đời mình, cuốn sách
này hoàn toàn dành cho bạn. Nếu bạn muốn kiểm soát những gì bạn đang làm hôm
nay hầu có thể thay đổi số phận tiền bạc lận đạn của mình, cuốn sách này sẽ
giúp bạn vạch được một lối thoát cho riêng mình.
Trong xã hội có bốn nhóm
người làm ra tiền được thể hiện trong Kim tứ đồ sau:
L: nhóm người làm
công lãnh lương
T: nhóm người làm
tư
C: nhóm chủ doanh
nghiệp, công ty
Đ: nhóm nhà đầu tư
Một người trong chúng ta
ít nhất cũng thuộc về một trong bốn nhóm người đó. Vị trí tồn tại của chúng ta
trong bốn nhóm người đó sẽ quyết định nguồn thu nhập. Nhiều người dựa vào đồng
lương lãnh được mỗi tháng và do đó trở thành những người làm công, trong khi đó
số khác tự kinh doanh trong khuôn khổ cá nhân hay gia đình. Những người làm
công hay những người làm tư nằm phía bên trái Kim tứ đồ. Phía bên phải Kim tứ
đồ là những cá nhân kiếm tiền từ doanh nghiệp kinh doanh hay các khoản đầu tư
của mình
Hình vẽ trên tóm tắt bốn
nhóm người trong xã hội làm nên thế giới kinh doanh này, họ là những ai và
những yếu tố nào hun đúc nên tính các đặc thù của mỗi một nhóm người. Kim tứ đồ
giúp cho bạn thấy được mình đang thuộc nhóm người nào, để bạn có thể tự vạch
cho mình một hướng hành động theo những gì bạn mong muốn trong tương lai, một
khi bạn tự chọn cho mình một con đường riêng biệt có thể đưa bạn đến sự tự do
về tài chính. Hẳn nhiên, sự tự do ấy có thể đạt được trong cả bốn nhóm nhưng
những kỹ năng của một cá nhân thuộc nhóm C hay Đ sẽ giúp bạn đạt được mục đích
nhanh chóng hơn. Một nhóm người L thành đạt đều có khả năng trở thành một cá
nhân thành công thuộc nhóm Đ,
Bạn muốn trở thành ai
khi bạn trưởng thành?
Đối với những độc giả
chưa đọc qua Dạy con làm giàu, thì nội dung quyển sách ấy viết về những bài học
khác nhau do hai người cha truyền dạy lại cho tôi về chủ đề tiền bạc và sự lựa
chọn cách sống trong đời. Một người là cha ruột, còn người kia lại là cha người
bạn thân nhất của tôi. Một người có một nền học vấn rất cao trong khi người kia
chỉ học tới trung học. Một người thì nghèo, còn người kia lại rất giàu.
Cứ mỗi khi người ta hỏi
tôi, “Cháu sẽ muốn trở thành ai khi cháu trưởng thành?”
Người cha nghèo có học
thức cao của tôi luôn khuyến khích, “Hãy đi đến trường cố học cho giỏi, và tìm
một công việc ổn định an toàn”.
Nói như thế, ý của Người
muốn đề nghị một hướng sống như hình bên.
Trong khi đó, người cha
giàu nhưng ít học lại đưa ra một lời khuyên khác hẳn, Người khuyến khích thế
này, “Hãy đi đến trường, tốt nghiệp đại học, sau đó tự kinh doanh và trở thành
một nhà đầu tư thành công.”
Nói như thế, ý của Người
muốn đề nghị một hướng sống như hình bên. Quyển sách này sẽ viết về
một quá trình giáo dục, tâm lý và cảm xúc mà tôi đã trải qua khi nghe theo lời
khuyên của người cha giàu.
Quyển sách này được viết
dành cho những ai sẵn sàng muốn thay đổi vị trí của mình hôm nay, đặc biệt cho
những cá nhân thuộc nhóm L hay T đang xem xét nhập hội với những người thuộc
nhóm C hay Đ. Quyển sách này dành cho những người dám xé rào tư tưởng của việc
làm bảo đảm mà hướng tới sự bảo đảm tài chính. Con đường đó dĩ nhiên sẽ không
dễ dàng chút nào nhưng phần thưởng ở cuối con đường hoàn toàn xứng đáng. Con
đường ấy chính là nhắm tới một sự tự do về tài chính.
Lúc tôi còn 12 tuổi,
người cha giàu đã kể cho tôi nghe một câu chuyện giản dị nhưng đã hướng dẫn tôi
suốt trên con đường làm giàu và đạt tới tự do về tiền bạc. Câu chuyện đó phản
ánh lối giải thích của người cha giàu về sự khác nhau giữa phía bên trái Kim tứ
đồ, tức là nhóm người L hay T, với phía bên phải gồm nhóm người C hay Đ. Câu
chuyện như thế này.
“Ngày xưa có một ngôi
làng nhỏ bé đáng yêu. Ngôi làng ấy là một chỗ ở thật tuyệt vời nhưng tiếc thay
lại gặp một vấn đề nghiêm trọng. Khi trời không mưa, làng chẳng có một tí nước
nào. Nhằm giải quyết vấn đề, các già làng quyết định cho gọi thầu cung cấp
nguồn nước hàng ngày cho dân làng. Có hai nhân vật đứng ra nhận thầu, và các
già làng đều nhận ký hợp đồng với cả hai. Họ cho rằng một sự cạnh tranh nho nhỏ
giữa hai bên vừa có thể làm cho giá cả giảm xuống, lại vừa đảm bảo có đủ nước
dự trữ cho làng.
Người thứ nhất tên là
Ed, lập tức lên chợ mua hai thùng thiếc mạ kẽm và ngược xuôi chở nước từ hồ vào
làng cách đó khoảng một dặm. Với hai thùng nước, anh ta làm việc từ sáng sớm
đến chiều tối và nhanh chóng kiếm ra tiền. Ed đổ nước trong thùng vào một bể
chứa nước đúc bê tông to đùng trong làng. Cứ mỗi buổi sáng, anh ta là người
thức dậy trước nhất để đảm bảo lượng nước đủ dùng cho cả làng. Công việc thật
cực nhọc, nhưng anh ta cảm thấy rất hạnh phúc khi làm ra tiền và đã thắng hợp
đồng của làng.
Người nhận thầu thứ hai
tên là Bill biến đi mất một dạo. Cả làng không nhìn thấy anh ta trong nhiều
tháng, và điều đó làm cho Ed rất sung sướng vì không có cạnh tranh nên anh ta
kiếm được rất nhiều tiền.
Thay vì đi mua hai thùng
nước cạnh tranh với Ed, Bill phác thảo một kế hoạch kinh doanh, thành lập công
ty, tìm thêm bốn đối tác đầu tư, thuê một giám đốc quán xuyến công việc và trở
về với một nhóm thợ xây sau sáu tháng biệt tăm. Trong vòng một năm, nhóm thợ của
Bill hoàn tất công trình lắp đặt một đường ống dẫn nước bằng inox từ hồ vào
thẳng trong làng.
Vào buổi khai trương,
Bill trịnh trọng tuyên bố nguồn nước cung cấp của mình sạch hơn của Ed. Trước
đó Bill đã nghe thấy nhiều phàn nàn của dân làng về bụi cặn trong nguồn nước do
Ed cung cấp. Bill còn tuyên bố sẽ cung cấp nước liên tục cho làng suốt 24 giờ
mỗi ngày, 7 ngày một tuần. Trong khi đó, Ed chỉ cung cấp nước vào những ngày
trong tuần mà thôi bởi vì anh ta nghỉ làm vào cuối tuần. Tiếp theo, Bill tuyên
bố sẽ chỉ lấy giá bằng 75% giá của Ed mà nguồn nước lại sạch hơn, có đều đặn
hơn. Cả làng hoan hô Bill và ùn ùn xếp hàng trước đường ống do Bill xây dựng.
Để cạnh tranh, Ed lập
tức hạ giá xuống còn 75% so với giá trước đây, mua thêm hai thùng nước có nắp
đậy, rồi bắt đầu tăng công suất lên bốn thùng cho mỗi chuyến đi. Nhằm cung cấp
dịch vụ tốt hơn, anh ta mướn hai người con của mình phụ giúp làm ca đêm và vào
những ngày nghỉ cuối tuần. Khi hai đứa con lên tỉnh nhập học, anh nói với
chúng, “Các con hãy nhanh chóng quay về vì sự nghiệp kinh doanh này sẽ thuộc về
các con”.
Vì một lý do nào đó, hai
người con của Ed sau khi tốt nghiệp đại học không chịu trở về làng. Anh ta cuối
cùng phải thuê mướn nhân công và từ đó bắt đầu gặp rắc rối với vấn đề liên đoàn
lao động. Liên đoàn đòi tăng lương, chu cấp thêm phúc lợi và yêu sách mỗi nhân
công chỉ xách mỗi lần một thùng nước mà thôi.
Trong khi đó, Bill ý
thức rằng một khi ngôi làng này cần nước thì các làng khác cũng phải có nhu cầu
thiết yếu đó. Thế là anh ta phác thảo tiếp kế hoạch kinh doanh của mình, đi
khắp nơi trong vùng xây dựng hệ thống cấp nước nhanh chóng, số lượng lớn, chi
phí thấp và chất lượng cho mọi ngôi làng. Anh ta chỉ kiếm có một xu cho mỗi
thùng nước, thế nhưng anh ta lại cung cấp hàng tỉ thùng nước mỗi ngày. Cho dù
anh ta có làm việc hay không, hàng tỉ người vẫn tiêu dùng hàng tỉ thùng nước,
và tất cả số tiền kiếm được đó đều chảy vào tài khoản ngân hàng của Bill. Bill
đã phát kiến một đường ống không chỉ dẫn nước cho mọi làng mà còn dẫn tiền chảy vào
túi của mình.
Bill sống hoàn toàn hạnh
phúc sau đó, trong khi Ed phải làm việc cực nhọc suốt cả đời mà vẫn lận đận về
tiền bạc. Chấm hết.”
Câu chuyện về Bill và Ed
đã dẫn dắt cho tôi trong suốt nhiều năm liền, giúp cho tôi nhiều quyết định
quan trọng trong đời minh. Tôi thường tự hỏi:
“Tôi sẽ đi xây một đường
ống dẫn nước hay đi gánh nước?”
“Tôi sẽ lao động một
cách cực nhọc hay một cách khôn ngoan?”
Và trả lời cho những câu
hỏi đó đã đưa tôi đến sự tự do về tài chính.
Đó chính là những gì mà
quyển sách này đề cập tới. Đó chính là cách làm thế nào trở thành một người
thuộc nhóm C hay Đ. Quyển sách dành cho những ai đã quá mệt mỏi với công việc
gánh nước và sẵn sàng đi xây cho mình một đường ống dẫn tiền chảy vào túi của
mình chứ không phải chảy ra khỏi túi.
Quyển sách được chia làm
ba phần
Phần 1
Phần đầu quyển sách sẽ
nói về sự khác nhau căn bản giữa bốn nhóm người, giải thích lý do tại sao một
số người rơi vào một trong bốn nhóm và bị kẹt vào đó mà không hay. Phần này sẽ
giúp bạn xác định vị trí của mình hôm nay và gợi ý cho bạn một hướng đi trong
vòng năm năm tới.
Phần 2
Phần hai quyển sách sẽ
đề cập đến những chuyển biến về cá tính. Phần này sẽ trình bày về con người mà
bạn nên trở thành hơn là những gì bạn phải làm hôm
nay.
Phần 3
Phần cuối quyển sách sẽ
đi sâu chi tiết về trình tự bảy bước đi mà bạn có thể thực hành theo nếu như
bạn muốn hội nhập vào nhóm người nằm phía bên phải Kim tứ đồ. Tôi sẽ chia sẻ
với bạn về những kỹ năng bí mật của người cha giàu vốn rất cần thiết để trở
thành một người thành đạt thuộc nhóm C hay Đ. Với những điều đó, tôi hy vọng có
thể giúp bạn chọn lựa một con đường đi cho mình hướng tới sự tự do về tài
chính.
Xuyên suốt cuốn sách,
tôi luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự thông minh về tài chính. Nếu bạn
muốn sống và hành động ở nhóm bên phải của Kim tứ đò, tức là nhóm người C hay
Đ, bạn cần phải thông minh và nhạy bén hơn lúc bạn chọn ở lại bên trái của Kim
tứ đồ như một người thuộc nhóm L hay T.
Để trở thành một người
thuộc nhóm C hay Đ, bạn phải kiểm soát được hướng chảy tiền bạc của mình. Quyển
sách này được viết với mục đích dành cho những bạn sẵn sàng làm một cú đột phá
trong đời mình, dành cho những ai dám vượt xa hơn sự bảo đảm bảo việc làm hướng
tới sự tự do về tiền bạc.
Chúng ta đang ở trong
giai đoạn đầu của Thời đại Thông tin, một thời đại sẽ mang lại nhiều cơ hội
tiền bạc vô giá hơn bao giờ hết. Chính những cá nhân có kỹ năng của một người
thuộc nhóm C hay Đ mới có khả năng nhận biết và nắm bắt những cơ hội ngàn vàng
đó. Để thành đạt trong Thời đại Thông tin, bạn phải hiểu biết về bốn nhóm người
đó trong xã hội. Một điều đáng tiếc là hệ thống giáo dục của chúng
ta vẫn còn thuộc về Thời đại Công nghiệp, vẫn trang bị cho sinh viên những kỹ
năng chỉ để trở thành những con người thuộc nhóm bên trái của Kim tứ đồ.
Nếu bạn muốn tìm kiếm
một câu giải đáp mới cho một hướng đi cuộc đời trong Thời đại Thông tin,
quyển sách này hoàn toàn dành cho bạn. Nó sẽ giúp bạn trong suốt
cuộc hành trình ở kỷ nguyên mới này. Dĩ nhiên, quyển sách này không phải lúc
nào cũng có mọi câu trả lời thỏa đáng, nhưng nó sẽ chia sẻ với bạn về những
kinh nghiệm cá nhân sâu sắc, những khám phá đầy ích lợi và thiết thực mà chính
bản thân tôi đã trải qua trong cuộc phiêu lưu xuất phát từ phía bên nhóm L hay
T và về đích tới nhóm C hay Đ.
Nếu bạn đã thực sự sẵn
sàng bắt đầu cuộc hành trình, hoặc nếu bạn đã đặt chân trên con đường tìm đến
tự do về tài chính, tôi xin trân trọng tặng riêng cho bạn quyển sách này.
Phần một
KIM TỨ ĐỒ
Chương 1
TẠI SAO ANH KHÔNG KIẾM
LẤY MỘT CÔNG VIỆC?
__________________________________________________________________
Đối với một người coi
trọng công ăn việc làm, thật khó lòng giải thích cho người ấy hiểu lý do tại
sao mình không muốn kiếm việc làm.
__________________________________________________________________
Vào năm 1985, Kim – vợ
tôi và tôi không có nhà để ở. Chúng tôi đều bị thất nghiệp và chẳng còn một
đồng xu nào trong tài khoản tiết kiệm của mình. Thẻ tín dụng đã bị xài hết mức.
Chúng tôi phải ngủ qua đêm trong một chiếc xe Toyota nâu cũ kỹ. Khi đến ngày cuối
của một tuần nọ, chúng tôi bắt đầu thấm thía thực tế phũ phàng trước mắt mình,
luôn bị dằn vặt bởi những câu hỏi chúng tôi là ai, đang làm gì và cuộc đời của
chúng tôi sẽ trôi về đâu.
Tình trạng vô gia cư của
chúng tôi kéo dài thêm hai tuần. Cuối cùng, một người bạn thông cảm với tình
hình tài chính thê thảm của chúng tôi đã cho chúng tôi về ở trong một căn phòng
ở tầng hầm dưới nhà cô. Chúng tôi đã cư trú ở đó trong suốt chín tháng trời
ròng rã.
Chúng tôi giữ kín chuyện
của mình với mọi người. Vợ tôi và tôi cố giữ bề ngoài trông thật bình thường.
Cho đến khi bạn bè và gia đình biết cảnh ngộ khốn khổ của chúng tôi, câu hỏi
đầu tiên của họ luôn là: “Tại sao anh không kiếm lấy một công việc?”.
Lúc đầu chúng tôi còn cố
giải thích, nhưng rồi chúng tôi thấy không đủ khả năng lý giải nguyên nhân của
mình với mọi người. Đối với một người coi trọng công ăn việc làm, thật khó lòng
giải thích cho người ấy hiểu lý do tại sao mình không muốn kiếm việc làm.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng
phải làm thêm một vài công việc lặt vặt đây đó, nhưng những đồng tiền cỏn con
đó chỉ cốt để làm no bao tử của mình và đổ xăng đi lại. Những đồng lương ít ỏi
ấy chúng tôi coi chúng chẳng khác nào như những lít xăng đẩy chúng tôi theo
đuổi mục tiêu duy nhất của mình. Tôi phải thừa nhận rằng trong những tháng năm
đầy hoài nghi dằn vặt đó, ý tưởng về một việc làm ổn định, an toàn với một đồng
lương khấm khá thật hết sức cám dỗ với chúng tôi. Nhưng bởi vì sự bảo đảm việc
làm không phải là những gì chúng tôi tìm kiếm, nên chúng tôi phải vật lộn hàng
ngày trên bờ vực tiền bạc gian nan đó.
Năm đó, năm 1985 là năm
khốn khó nhất trong cuộc đời của chúng tôi, và dài đằng đẵng như cả thế kỷ.
Người nào nói tiền bạc không quan trọng chắc chắn người ấy chưa bao giờ nếm mùi
không có tiền bạc trong một khoảng thời gian dài. Kim và tôi cứ liên tục cãi vã
và tranh luận. Sợ hãi, lo âu về một tương lai mờ mịt và cái đói gặm nhấm hợp
lại càng làm tăng kịch tính cảm xúc của con người, khiến chúng ta thường xuyên
gây gổ với người thương yêu chúng ta nhiều nhất. Thế nhưng, tình yêu mãnh liệt
đã nối kết hai đứa chúng tôi lại với nhau, làm cho chúng tôi càng gắn chặt nhau
hơn để đương đầu trước nghịch cảnh. Chúng tôi thừa biết chúng tôi đang đi theo
hướng nào, nhưng chỉ có điều chúng tôi không biết mình có thể đi được đến đích
hay không.
Chúng tôi biết rõ mình
lúc nào cũng có thể xin được một việc làm bảo đảm với mức lương hậu hĩ. Cả hai
chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, có chuyên môn vững và thái độ làm việc rất
nghiêm túc. Nhưng chúng tôi không nhắm tới sự bảo đảm việc làm đó. Điều mà
chúng tôi nhắm tới chính là sự tự do về tài chính cho bản thân mình.
Vào khoảng năm 1989,
chúng tôi trở thành triệu phú. Mặc dù chúng tôi giàu có trong con mắt của nhiều
người, nhưng bản thân chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn vì chưa đạt được giấc mơ của
mình. Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự tự do thực sự về tiền bạc. Mãi đến năm
1994, giấc mơ ấy mới thành hiện thực. Từ đó trở đi đến cuối cuộc đời, chúng tôi
sẽ không phải làm công cho ai nữa. Ngoại trừ một thảm họa tài chính bất ngờ ụp
xuống, cho đến nay chúng tôi hoàn toàn được giải phòng về mặt tiền bạc. Lúc ấy,
Kim tròn 37 tuổi và tôi được 47 tuổi.
Không phải có tiền mới
làm ra tiền
Sở dĩ tôi bắt đầu quyển
sách này về tình trạng không nhà cửa và nghèo túng của mình bởi vì tôi thường
nghe mọi người nói, “Phải có tiền mới làm ra tiền”.
Tôi không đồng ý với
quan điểm đó. Từ tình trạng vô gia cư năm 1985 cho tới lúc trở nên giàu có vào
năm 1989 và sau đó được tự do về tài chính vào năm 1995, quá trình ấy không hề
bắt đầu với tiền bạc. Khi chúng tôi khởi sự, chúng tôi chẳng những không có
tiền mà còn bị mắc nợ.
Cũng không phải cần có
một nền học vấn chính quy đỗ đạt mới làm ra tiền. Tôi tốt nghiệp đại học, nhưng
tôi dám nói thẳng rằng sự tự do về tiền bạc mà tôi đạt được chẳng dây mơ rễ má
đến những gì tôi được học ở đại học. Tôi chẳng hề sử dụng một tí gì từ những
môn tôi được dạy về tích phân, lượng giác, hóa học, vật lý, văn chương Pháp,
hay văn chương Anh.
Nhiều người thành công
trong đời thường bỏ ngang đại học. Những nhân vật như Thomas Edison, người sáng
lập tập đoàn General Electric, Henry Ford, chủ hãng xe Ford; Bill Gates, cha đẻ
tập đoàn Microsoft; Ted Turner cha đẻ hãng thông tấn CNN; Micheal Dell, người
sáng lập tập đoàn máy vi tính Dell; Steve Jobs, người sáng lập Apple; và Ralph
Lauren, người sáng lập hàng Polo. Bằng cấp đại học chỉ quan trọng đối với những
chuyên ngành cổ điển chứ không ích lợi gì đối với việc những nhân vật đó làm
cách nào trở thành tỉ phú. Những con người đó đã tự tạo ra ngành kinh doanh
thành công riêng cho mình, và đó chính là điều mà Kim và tôi hằng khát khao đạt
đến.
Vậy thì cái gì mới làm
ra tiền?
Nhiều người thường hỏi
tôi, “Nếu không cần phải có tiền để làm ra tiền, và trường học không dạy anh
cách đạt được sự tự do về tài chính, thế thì những điều gì mới làm ra tiền”.
Câu trả lời của tôi là:
Cần phải có một giấc mơ, một khao khát, một ý chí quyết định dứt khoát, một khả
năng học hỏi nhanh, biết sử dụng những thiên phú có sẵn trong mình và biết phần
nào trong Kim tứ đồ tạo ra thu nhập cho mình.
Kim tứ đồ là gì?
Sơ đồ sau đây chính là
Kim tứ đồ
Vị trí nào trong Kim tứ đồ đem lại thu nhập cho bạn?
Kim tứ đồ thể hiện bốn
cách khác nhau tạo ra tiền bạc cho mọi người. Chẳng hạn, một người làm công
kiếm tiền nhờ làm thuê cho một người nào đó hay một công ty. Những người làm tư
kiếm tiền bằng cách tự làm việc cho chính mình. Một doanh nhân kiếm tiền từ công việc kinh doanh của mình, và các nhà đầu tư kiếm tiền từ nhiều hình thức
đầu tư đa dạng mà nói khác đi chính là từ việc sử dụng tiền để tạo ra thêm
nhiều tiền hơn.
Những phương cách kiếm
tiền khác nhau đó đòi hỏi những kiểu suy nghĩ, lối sống, kỹ năng chuyên môn,
đường lối hấp thu giáo dục, và những cá tính tương thích. Những loại người khác
nhau sẽ bị lôi kéo vào những phần khác nhau trong Kim tứ đồ.
Trong khi tiền bạc là
đối tượng chung, những cách kiếm tiền thì lại thiên hình vạn trạng. Giả như bạn
bắt đầu lưu tâm đến sự phân chia trên Kim tứ đồ, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình câu
này, “Tôi kiếm được tiền chủ yếu từ phần nào trong Kim tứ đồ?”.
Mỗi phần của Kim tứ đồ
đều khác nhau. Để kiếm được tiền từ những phần khác nhau cần phải có những kỹ
năng và cá tính khác nhau, cho dù một người có thể ở cùng lúc những phần khác
nhau đó.
Bạn có thể kiếm tiền từ
bốn nhóm trên Kim tứ đồ
Hầu hết chúng ta đều có
khả năng kiếm tiền từ cả bốn nhóm trên Kim tứ đồ. Nhóm người nào mà bạn hay tôi
thuộc về đó và chủ yếu kiếm thu nhập từ đó không phải được quyết định bởi những
gì chúng ta được học ở trường, mà chính là những gì thuộc về bản thân của chúng
ta – đó là những quan điểm về giá trị, những ưu điểm, khuyết điểm và sở thích
cá nhân. Chính những sự khác nhau gốc rễ đó đã thu hút hay làm chúng ta dội
ngược với những nhóm đó trong Kim tứ đồ.
Tuy nhiên, cho dù chúng
ta có làm một ngành nghề chuyên môn nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể tồn tại và
làm việc trong cả bốn nhóm. Chẳng hạn, một bác sĩ có thể chọn lựa cách kiếm
tiền như một người làm công – thuộc nhóm L, bằng cách gia nhập vào đội ngũ bác
sĩ trong một bệnh viên lớn, hoặc làm việc cho chính phủ trong những dự án chăm
sóc y tế cộng đồng hay trở thành bác sĩ quân y, hoặc làm việc cho một công ty
bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ.
Vị bác sĩ ấy cũng có thể
chọn lựa cách kiếm tiền như một người làm tư – thuộc nhóm T, mở một phòng mạch
tư, thuê mướn một vài y tá và lôi kéo một số bệnh nhân cho riêng mình.
Hoặc vị bác sĩ ấy có thể
quyết định trở thành một doanh nhân thuộc nhóm C, làm chủ một bệnh viện tư và
thuê mướn các bác sĩ khác làm việc trong bệnh viện đó của mình. Vị bác sĩ có
thể xem xét khả năng mướn một vị quản lý điều hành công ty – bệnh viện của
mình, và như vậy trong trường hợp đó vị bác sĩ làm chủ một công việc kinh doanh
nhưng không cần phải làm việc trong đó. Vị bác sĩ cũng có thể quyết định làm
chủ một ngành nghề kinh doanh nào đó chả liên quan gì đến ngành y, nhưng vẫn
thực hành nghề y của mình ở một nơi nào đó. Trong trường hợp ấy, vị bác sĩ có
thể tạo ra thu nhập vừa như người thuộc nhóm L, vừa như người thuộc nhóm C.
Còn đối với nhóm D,
vị bác sĩ có thể kiếm tiền bằng cách trở thành cổ đông hùn vốn vào
một chuyện kinh doanh của người khác hay bằng nhưng công cụ đầu tư như thị
trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản.
Những từ quan trọng nhất
chính là những từ “kiếm tiền từ”. không phải ngành nghề chúng ta đang
làm là quan trọng, mà chính cách chúng ta kiếm tiền mới là quan trọng hơn hết.
Những phương cách khác
nhau tạo ra thu nhập
Chính những sự khác nhau
gốc rễ về quan điểm giá trị, ưu khuyết điểm và sở thích mới ảnh hưởng đến việc
chúng ta chọn lựa phương cách tạo ra thu nhập từ nhóm nào. Nhiều người chỉ
thích làm công, trong khi nhiều người khác lại rất ghét chuyện ấy. Nhiều người
say mê việc làm chủ một công ty nhưng lại không muốn điều hành nó, nhưng cũng
biết bao nhiêu người vừa thích làm chủ công ty lại vừa thích tự quản lý điều
hành công ty của mình. Nhiều người rất ưa thích việc đầu tư, trong khi trong
con mắt của nhiều người khác chỉ thấy nguy cơ bị mất tiền. Hầu hết chúng ta đều
ít nhiều có hết những tính cách đó. Để có thể thành công trong bốn nhóm, chúng
ta phải có sự định hướng thích nghi những giá trị gốc rễ tương ứng trong con
người chúng ta.
Bạn có thể giàu
hoặc nghèo ở cả bốn nhóm
Một điều không kém quan
trọng cần lưu ý là chúng ta có thể giàu hay nghèo ở cả bốn nhóm. Trong mỗi
nhóm, có nhiều người có thể kiếm được hàng triệu đô nhưng cũng có vô số người
bị khánh kiệt. Thuộc vào nhóm này hay nhóm khác không nhất thiết đảm bảo sẽ
thành công về tài chính.
Không phải bốn nhóm đều
như nhau
Hiểu được những đặc thù
của bốn nhóm trong Kim tứ đồ, bạn sẽ nhận định được nhóm nào thích hợp nhất với
bạn
Chẳng hạn, một trong
nhiều lý do khiến tôi chủ yếu hành động như nhóm người C hay Đ là do những lợi
thế về thuế. Đối với những người làm việc ở phần bên trái Kim tứ đồ, có rất ít
khả năng giảm thuế hợp pháp, không như đối với phần bên phải của Kim tứ đồ. Khi
làm việc tạo ra thu nhập thuộc nhóm người C hay Đ, tôi có thể kiếm tiền nhanh
hơn và bắt đồng tiền đố làm việc cho tôi lâu hơn mà không phải trả thuế quá
mức.
Những cách kiếm tiền
khác nhau
Kim tứ đồ phân biệt rõ
những cách khác nhau mà con người sử dụng để tạo ra tiền cho mình. Có những
cách tạo ra tiền đầy ý thức trách nhiệm hơn là phải làm lụng vì nó.
Hai người cha khác nhau
và những quan điểm khác nhau về tiền bạc
Người cha có học thức
cao của tôi có niềm tin sâu sắc rằng sự đam mê tiền bạc là tội lỗi. Việc kiếm
lợi quá mức chỉ biểu hiện sự tham lam. Người đã rất ngượng nghịu khi báo chí
đăng tải mức lương của Người, chỉ bởi vì Người cảm thấy đã được trả lương quá
mức trong khi những giáo viên khác làm việc cho Người đang lãnh một đồng lương
ít ỏi. Cha tôi là một con người trung hậu, thật thà và cần mẫn, lúc nào cũng
bảo vệ hết lòng quan điểm của mình là tiền bạc không phải vấn đề quan trọng đối
với cuộc đời mình.
Người cha có học thức
cao nhưng nghèo của tôi luôn nói:
· “Ta
không quan tâm đến tiền bạc”
· “Ta
sẽ không bao giờ giàu”
· “Ta
không đủ sức mua vật ấy”
· “Đầu
tư là rủi ro”
· “Tiền
không phải là mọi thứ”
Tiền bạc hỗ trợ cho cuộc
sống
Người cha giàu của tôi
lại có quan điểm khác hẳn. Người cho rằng thật là khờ dại khi phải bỏ cả cuộc
đời làm việc vì tiền và giả vờ coi tiền là không quan trọng. Người cha giàu tin
rằng cuộc sống quan trọng hơn tiền rất nhiều, nhưng tiền lại quan trọng trong
việc hỗ trợ cuộc sống. Người thường nói, “Con chỉ có bấy nhiêu giờ trong một
ngày, vậy mà con lại làm việc thật là cực nhọc. Vậy sao phải làm việc cực nhọc
vì tiền? Hãy học cách điều khiển tiền bạc và nhân sự làm việc lại cho con, và
khi ấy con có thể rảnh rỗi làm những chuyện quan trọng của đời con.”
Đối với người cha giàu,
những gì quan trọng sẽ là:
· Có
nhiều thời gian để chăm lo cho con mình
· Có
tiền làm việc từ thiện và tài trợ cho những công trình cần thiết
· Tạo
ra công ăn việc làm và sự ổn định về tài chính cho cộng đồng
· Có
thời gian và tiền bạc chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình
· Có
thể du lịch vòng quanh thế giới cùng với người thân
“Những chuyện đó phải
cần tiền”, người cha giàu bảo. “Đó chính là lý do tại sao tiền bạc lại trở nên
quan trọng đối với ta. Tiền bạc quan trọng nhưng ta không muốn bỏ cả đời mình
làm việc cho nó”.
Chọn lựa vị trí
Một nguyên nhân tại sao
hai vợ chồng tôi luôn tập trung vào những nhóm C và Đ giữa lúc chúng tôi không
có nhà để ở, là bởi vì tôi đã được tiếp thu kinh nghiệm và được dạy dỗ rất
nhiều về những nhóm người ấy. Chính nhờ sự hướng dẫn của người cha giàu đã giúp
cho tôi hiểu rõ các ưu thế về tài chính và sự chuyên nghiệp khác nhau giữa mỗi
nhóm. Đối với tôi, những nhóm nằm bên phải Kim tứ đồ, tức là nhóm C và Đ, mới
đem lại những cơ hội tốt nhất cho sự thành đạt về tài chính và sự tự do về tiền
bạc.
Ở ngưỡng cửa 37 tuổi
đời, tôi đã từng trải qua biết bao thành công và thất bại ở cả bốn nhóm, mà nhờ
đó đã giúp tôi hiểu thấu rõ được phần nào những tính cách cá nhân của bản thân mình,
những sở thích, cái hay và cái dở. Và tôi đã biết được nhóm nào tôi sẽ thành
công khi hành động trong đó.
Các bậc cha mẹ là thầy
giáo
Ngay từ khi tôi còn nhỏ,
người cha giàu đã thường xuyên đề cập đến Kim tứ đồ. Người đã giải thích với
tôi về sự khác nhau giữa một người thành đạt ở phía bên trái và bên phải của
Kim tứ đồ. Thế nhưng lúc đó vì quá nhỏ, tôi chưa lĩnh hội hết những gì Người
nói. Tôi không hiểu được sự khác nhau trong cách suy nghĩ, lập luận giữa một
người làm công với một người làm chủ. Đơn giản, tôi chỉ lo làm sao
có thể tồn tại được trong trường và lên lớp.
Thế nhưng, tôi đã nghe
những gì Người nói và những điều đó chẳng bao lâu trở nên có ý nghĩa đối với
tôi. Có hai người cha năng động và thành công ở cạnh đã giúp cho tôi có thể đối
chiếu và hiểu được những lời nói của mỗi người. Chính những gì hai người cha
đang làm và hành động đã minh họa rõ nét nhất sự khác nhau giữa phía L-T và
phía C-Đ của Kim tứ đồ. Lúc đầu, những sự khác nhau đó mờ nhạt nhưng dần dần
chúng càng trở nên rõ nét.
Chẳng hạn, một kinh
nghiệm đau khổ nhất đối với tôi khi còn nhỏ là khoảng thời gian mà người cha
này đã chơi với tôi so với người cha kia. Khi cả hai người cha mỗi lúc một
thành công và nổi tiếng, tôi nhận thấy rất rõ một trong hai người càng có ít
thời gian bên cạnh vợ và bốn đứa nhỏ của mình. Người cha ruột của tôi lúc nào
cũng ở ngoài đường, bận rộn với các buổi họp liên miên, hoặc vội vã chạy ra phi
trường bắt kịp chuyến bay đến những buổi họp khác. Người càng thành công chừng
nào thì lại càng ít ăn cơm tối với gia đình chừng nấy. Vào những ngày nghỉ cuối
tuần ở nhà, Người lại vùi đầu vào hàng đống giấy tờ công việc trong phòng làm
việc nhỏ bé của Người.
Trong khi đó, người cha
giàu càng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn khi Người càng thành công hơn. Một
trong những lý do khiến tôi đã được học thật nhiều về tiền bạc, tài chính,
chuyện kinh doanh và sự đời chỉ vì người cha giàu càng lúc càng có nhiều thời
gian hơn nói chuyện với con của Người và với tôi.
Một kinh nghiệm khác là cả hai người cha khi càng thành công càng kiếm ra được nhiều tiền, thế nhưng người cha ruột học thức của tôi lại càng lún sâu vào nợ nần. Và vì thế, Người càng làm việc cật lực hơn để rồi nhận ra mình càng bị đánh thuế thu nhập nhiều hơn. Chủ ngân hàng và kế toán của Người khuyên Người đi mua một căn nhà to hơn để giảm thuế (1). Và thế là Người nghe theo, mua một căn nhà to hơn, nhưng cũng vì thế Người càng phải ra sức làm việc để có đủ tiền trả căn nhà mới, và những điều đó càng làm cho Người mỗi lúc một xa với tổ ấm của mình.
(Ở Mỹ, khi một cá
nhân vay tiền ngân hàng để mua nhà, số tiền lãi phải
trả cho ngân hàng được phép coi là khoản chi phí hợp lý khấu trừ vào
thu nhập chịu thuế, do đó làm giảm thuế thu nhập cá nhân )
Người cha giàu lại khác
hẳn. Người làm ra thật nhiều tiền, nhưng lại trả ít thuế hơn. Người cũng có chủ
ngân hàng và kế toán riêng của mình, nhưng Người không nghe theo lời tư vấn như
người cha ruột học thức của tôi.
Nguyên nhân chính
Thế nhưng, động cơ chính
thúc đẩy tôi vượt rào từ phía bên trái sang phía bên phải của Kim tứ đồ lại là
những gì đã đổ xuống cuộc đời người cha nghèo có học thức cao của tôi, giữa lúc
Người đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp.
Vào đầu những năm 70,
tôi đã tốt nghiệp xong đại học và gia nhập một khóa đào tạo phi công lái máy
bay ở Pensacola thuộc tiểu bang Florida. Người cha học thức của tôi lúc ấy đang
giữ chức Tổng Thanh tra ngành giáo dục của tiểu bang Hawaii và là một thành
viên trong Ban Tư vấn cho Thống đốc tiểu bang. Sau cuộc bầu cử Thống đốc tiểu
bang, vị thống đốc được tái nhiệm – tức giận vì cha tôi đã tham gia vận động
tranh cử cho đối thủ của mình – đã âm thầm chỉ thị không cho phép cha tôi được
làm lại trong chính phủ ở tiểu bang Haiwwaii. Và Người đã không bao giờ kiếm
được việc làm như cũ. Ở tuổi 54, cha tôi phải chạy đi xin việc làm, còn tôi thì
trên đường tòng quân.
Ở lứa tuổi ngũ tuần ấy,
cha tôi đành đi kiếm một việc làm mới. Người làm từ chỗ này đến chỗ khác với
chức danh nghe thật kêu nhưng lương thấp. Đại loại như chức quản lý điều hành
một cơ quan phi lợi nhuận XYZ, hoặc giám đốc một tổ chức ABC cũng phi lợi
nhuận.
Cha tôi là một người đàn
ông cao ráo, thông minh và năng động, nhưng Người không bao giờ còn được chào
đón trong thế giới mà Người đã làm việc hơn nửa cuộc đời, thế giới của những
công chức chính phủ. Người xoay ra làm ăn, bắt đầu với một vài chuyện kinh
doanh nhỏ. Có một dạo Người làm tư vấn, và còn mua nhượng quyền một thương hiệu
nổi tiếng, nhưng tất cả đều thất bại. Khi Người càng lớn tuổi, bầu nhiệt huyết
trong Người càng giảm, và sự dũng cảm dám bắt đầu lại từ đầu cũng suy yếu dần.
Ý chí của Người mỗi lúc một giảm bớt đi sau mỗi vụ kinh doanh thất bại. Người
đã từng là một người làm công thành đạt trong nhóm L, nay cố tồn tại trong nhóm
T mà Người không hề có kinh nghiệm và sự đam mê của chính mình. Người yêu thích
ngành giáo dục công cộng vô cùng, nhưng chẳng có cách nào quay trở lại với thế
giới ấy. Chính quyền tiểu bang đã ngầm chỉ đạo cấm mọi cơ sở giáo dục tuyển
dụng Người, mà trên một khía cạnh nào đó ta có thể coi Người đã bị liệt vào “sổ
bìa đen”.
Nếu không có bảo hiểm xã
hội và y tế, có lẽ những năm tháng cuối đời Người đã bị nghèo túng khốn khổ.
Người qua đời với một tâm trạng cực kỳ nản chí và phẫn nộ, nhưng lương tâm của
Người hoàn toàn an ổn và trong sạch.
Như vậy điều gì đã khiến
tôi cam tâm chịu đựng những năm tháng đen tối ấy vào năm 1985? Đó chính là ký ức
khủng khiếp về một người cha có học thức phải ngồi ở nhà chờ từng tiếng điện
thoại reo, và cố thành công trong thế giới kinh doanh mà ở đó Người chẳng biết
một tí gì.
Chính điều đó, và chính
ký ức êm đềm khi chứng kiến người cha giàu mỗi lúc một hạnh phúc và thành công
khi Người càng lớn tuổi đã đem lại cho tôi một khao khát đầy cảm hứng. Thay vì
lụn bại ở tuổi 54, người cha giàu đã thành công ngoài sức tưởng. Trước đó nhiều
năm Người đã giàu rồi, nhưng đến lúc đó Người lại càng giàu hơn gấp trăm ngàn
lần. Người thường xuyên xuất hiện trên mặt báo như một doanh nhân đã mua đứt
vùng Waikiki và Maui. Những năm tháng miệt mài xây dựng kinh doanh và đầu tư có
phương pháp đã giúp cho Người gặt hái những mùa bội thu, và làm cho Người trở
thành một trong những tỉ phú giàu nhất Haiwaii
Sự khác nhau nhỏ bé có
thể dẫn đến sự khác nhau to lớn
Vì người cha giàu đã
giải thích cặn kẽ Kim tứ đồ cho tôi, nên tôi có thể thấy rõ những sự khác nhau
nhỏ bé mỗi lúc một lớn theo thời gian làm việc của một con người. Nhờ có Kim tứ
đồ, tôi có thể tập trung vào việc chọn lựa nhóm mà tôi muốn gia nhập, hơn là
chọn lựa những gì tôi muốn làm. Trong những năm tháng thê thảm nhất của đời
mình, chính sự hiểu biết sâu sắc và những kinh nghiệm rút ra từ cuộc đời của
hai người cha có tác động mạnh mẽ, đã giúp tôi chịu đựng và vượt qua.
Nhưng câu chuyện không
chỉ dừng lại ở Kim tứ đồ
Kim tứ đồ chẳng qua chỉ
là những nét gạch và một vài ký tự trong đó. Nhưng nếu bạn quan sát bên dưới bề
mặt của hình vẽ đơn giản ấy, bạn sẽ nhìn thấy được những thế giới hoàn toàn
khác nhau cũng như những góc nhìn khác nhau nhìn về thế giới. Khi một người
nhìn bằng cặp mắt của cả nhóm bên trái lẫn bên phải Kim tứ đồ, tôi có thể thú
thật là thế giới sẽ rất khác nhau tùy theo vị trí người ấy đang đứng và vị trí
trong xã hội. Và những sự khác nhau ấy chính là đề tài chủ yếu của quyển sách.
Sau khi đọc quyển sách
này, sẽ có bạn muốn thay đổi ngay cách kiếm tiền của mình, nhưng cũng có bạn
hoàn toàn hạnh phúc khi tiếp tục thế đứng của mình trong xã hội. Bạn có thể
chọn hành động cùng lúc trong nhiều nhóm, thậm chí ở cả bốn nhóm. Tất cả chúng
ta đều rất khác nhau, và một nhóm này không chắc quan trọng hay tốt hơn nhóm
khác. Trên mỗi ngôi làng, thị tứ, thành phố hay mỗi quốc gia trên thế giới, vẫn
rất cần có mọi người hoạt động ở bốn nhóm nhằm đảm bảo sự ổn định về tài chính
trong cộng đồng.
Hơn thế nữa, khi chúng
ta già đi và tích lũy nhiều kinh nghiệm khác nhau, sở thích của chúng ta sẽ
thay đổi. Chẳng hạn, tôi nhận thấy có nhiều thanh niên sau khi ra trường thường
hài lòng khi kiếm được một việc làm. Thế nhưng sau một vài năm, nhiều người
trong số ấy sẽ không còn hứng thú leo từng bậc thang chức vụ trong công sở,
hoặc hết đam mê với lĩnh vực kinh doanh mà mình đang hoạt động. Những thay đổi
về tuổi tác và kinh nghiệm thường khiến một người đi tìm những cái đích mới để
phát triển, được thách thức, kiếm nhiều tiền hơn và nhiều hạnh phúc cá nhân
hơn. Tôi hy vọng quyển sách này có thể đem lại cho bạn một vài đột phá trong tư
duy và ý tưởng để đạt được những mục tiêu đó.
Nói tóm lại, quyển sách
này không viết về chuyện vô gia cư, mà là chuyện tìm kiếm một ngôi nhà trú ẩn,
một ngôi nhà trong một nhóm hay cả bốn nhóm người của xã hội.
Chương 2
NHỮNG CON NGƯỜI KHÁC
NHAU THUỘC NHỮNG NHÓM KHÁC NHAU
_________________________________________________________________
Thay đổi nhóm thường là
một sự thay đổi cách mạng về con người của con
_________________________________________________________________
“Không thể dạy cho một
con chó già những trò chơi mới được”, người cha có học thức cao của tôi hay nói
câu ấy.
Tôi đã từng ngồi trò
chuyện với Người nhiều lần, cố gắng giải thích cho Người hiểu Kim tứ đồ mà tôi
hy vọng có thể nhờ đó giúp cho Người lóe lên những hướng đi mới trong vấn đề
tiền bạc. Khi gần đến tuổi 60, Người mới nhận ra nhiều giấc mơ của mình sẽ
không bao giờ thực hiện được.
“Ta đã thử nhưng nó
không thành công con ạ”, Người nói thế.
Cha tôi muốn
ám chỉ đến những nỗ lực của mình cố thành công trong nhóm T như một chuyên viên
tư vấn làm tư, và trong nhóm C khi Người đã đem hết toàn bộ số tiền dành dụm
được để làm vốn kinh doanh nhượng quyền hãng kem nổi tiếng, nhưng rồi đã bị
thất bại hoàn toàn.
Vốn thông minh, Người
hiểu được về mặt lý thuyết là cần phải có những kỹ năng khác nhau cho mỗi nhóm
khác nhau. Người biết có thể học chúng rất mau nếu như Người muốn. Thế nhưng
vẫn có điều gì đó kìm hãm Người lại.
Một bữa nọ sau khi ăn
trưa xong, tôi trò chuyện với người cha giàu về cha ruột của tôi.
“Cha con và ta không
giống nhau từ gốc rễ con ạ”, người cha giàu nói. “Trong khi chúng ta đều là con
người cùng có những cảm giác sợ hãi, lo âu, niềm tin, ưu điểm và khuyết điểm,
cách chúng ta phản ứng và xử lý những điều đó lại khác nhau vô cùng”.
“Cha có thể cho con biết
sự khác nhau không?”, tôi hỏi
“Không thể nói hết trong
một bữa ăn trưa đâu”, người cha giàu nói. “Nhưng cách chúng ta phản ứng trước
những sự khác nhau đó chính là nguyên nhân khiến cho chúng ta cứ bám lại với
nhóm này hay nhóm khác. Khi cha con cố gắng đi từ nhóm L sang nhóm C, ông có
thể hiểu được quá trình ấy về mặt lý trí, nhưng lại không thể thực hiện được về
mặt cảm tính. Khi sự việc bắt đầu trục trặc và ông bị lỗ, ông không biết cách
làm thế nào giải quyết vấn đề, và thế là cha con lại quay về với nhóm mà ông
cảm thấy thoải mái nhất”.
“Trở lại với nhóm L và
thỉnh thoảng nhóm T”, tôi nói.
Người cha giàu gật đầu.
“Khi nỗi sợ bị mất tiền và thất bại trở nên quá mức đến cào xé trong lòng, nỗi
sợ mà cả ta và cha con đều có, cha con liền chọn giải pháp bảo đảm trong khi ta
chọn giải pháp tự do”.
“Và đó chính là sự khác
nhau căn bản”, tôi vừa nói vừa vẫy tay cho bồi bàn tính tiền.
“Mặc dù chúng ta đều la
con người”, người cha giàu lặp lại, “khi đụng đến tiền bạc và những cảm xúc
dính đến tiền bạc, tất cả chúng ta đều phản ứng khác nhau. Và chính cách chúng
ta phản ứng trước những cảm xúc ấy thường quyết định cách chúng ta chọn lựa
cách kiếm tiền”.
“Những con người khác
nhau thuộc những nhóm khác nhau”, tôi nói.
“Đúng vậy, người cha
tiếp tục nói khi chúng tôi đứng dậy và bước ra cửa. “Nếu con muốn thành công
trong bất kỳ nhóm nào, con cần phải biết nhiều thứ khác chứ không chỉ là những
kỹ năng cần có. Con cũng cần phải biết những sự khác nhau gốc rễ đã khiến cho
mọi người đóng chốt ở những nhóm khác nhau. Năm được điều đó, cuộc đời sẽ trở
nên dễ dàng hơn với con rất nhiều”.
Tôi bắt tay người cha
giàu và nói lời từ biệt khi tài xế lái chiếc xe của Người lại gần.
“Ồ cha à, còn một điều
cuối cùng”, tôi nói vội vã. “Cha con có thay đổi được không?”.
“Dĩ nhiên là được”,
người cha giàu nói. “Ai cũng có thể thay đổi được cả. Nhưng thay đổi nhóm mình
theo không giống như chuyện đổi việc hay đổi nghề đâu. Thay đổi nhóm thường là
một sự thay đổi cách mạng về con người của con, cách suy nghĩ và cách nhìn về xã
hội, thế giới. Sự thay đổi đó có thể dễ dàng với người này hơn người khác chỉ
vì có nhiều người thích sự thay đổi, trong khi cũng có khối kẻ khác rất bảo
thủ. Đổi nhóm thường là một kinh nghiệm đổi đời. Sự thay đổi ấy thật mãnh liệt
và triệt để y như sự thay đổi thoát khỏi kén của con nhộng thành con bướm.
Không những bản thân con thay đổi mà bạn bè con cũng sẽ thay đổi. Trong khi con
vẫn giao hảo tốt với những người bạn cũ, nhưng sự thay đổi của con sẽ ảnh hưởng
đến sự giao hảo đó, giống như những con bướm thật khó lòng sinh hoạt giống như
những con nhộng. Do đó, sự thay đổi ấy là một cuộc cách mạng thực sự, và không
có nhiều người dám đương đầu và chấp nhận sự thay đổi ấy đâu”.
Đâu là sự khác nhau?
Làm sao tôi có thể nhận
ra người nào thuộc nhóm L, T, C hay Đ mà không biết nhiều về họ? Một trong
nhiều cách là lắng nghe những gì họ nói.
Người cha giàu thường
nói, “Nếu ta lắng nghe một người nào đó nói, ta đang bắt đầu dò hiểu và cảm
nhận tâm hồn của người ấy”.
Câu nói của người nhóm L
Người thuộc nhóm L, tức
là người làm công, thường hay nói, “Tôi đang tìm một công việc ổn định, bảo đảm
có mức lương cao và nhiều phúc lợi”.
Câu nói của người nhóm T
Người nhóm T, gồm những
người làm tư, hay nói:
“Mức giá của tôi là 35
đô la một giờ”
“Mức hoa hồng bình
thường của tôi là 6% giá bán”.
“Dường như tôi chẳng bao
giờ kiếm được một người siêng năng và làm giỏi”.
“Tôi đã bỏ ra hơn 20
tiếng cho dự án này”.
Câu nói của người nhóm C
Người nhóm C tức là chủ
công ty thường nói, “Tôi đang tìm một giám đốc điều hành mới cho công ty mình”.
Câu nói của người nhóm đ
Người nhóm Đ, gồm những
nhà đầu tư, hay nói, “Mức lời của tôi tính trên tỷ lệ lợi nhuận ròng hay gộp”.
Công cụ lời nói
Một khi người cha giàu
biết người được phỏng vấn về mặt bản chất thuộc nhóm nào, tối thiểu lúc ấy
Người cũng biết được người ấy muốn gì, có thể ra điều kiện gì với anh ta, và
nói với anh ta bằng cách nào. Người luôn nói, “Ngôn ngữ là một công cụ đáng
sợ”.
Người thường xuyên nhắc
nhở chúng tôi điều này. “Nếu con muốn trở thành một người lao động, con cần
phải là một bậc thầy về ngôn ngữ”.
Như vậy, một trong những
kỹ năng cần thiết để trở thành một người nhóm C thành đạt phải là một người
biết làm chủ lời nói, sử dụng lời nói đúng chỗ tùy theo từng đối tượng khác
nhau. Người đã dạy chúng tôi trước hết tập lắng nghe cẩn thận những gì một
người nói, và tiếp sau đó là biết cách dung những lời nói nào, và dùng chúng
trong ngữ cảnh nào để tạo hiệu quả ấn tượng nhất đối với người nghe.
Người cha giàu giải
thích, “Một lời nói có thể khơi dậy ý chí của một người, nhưng cũng có thể làm
người khác sợ hãi và né tránh”.
Chẳng hạn như từ “mạo
hiểm” có thể làm một nhà đầu tư rất phấn khởi trong khi có thể khiến cho một
người làm công lãnh lương hoảng hốt và sợ đến co vòi.
Để trở thành những nhà
lãnh đạo tài ba, người cha giàu đã nhấn mạnh trước hết chúng tôi phải là những
người biết lắng nghe, bởi vì nếu không bạn sẽ chẳng thể nào cảm nhận được cảm
xúc và tâm hồn của người đối thoại. Và nếu bạn không cảm nhận và thấu hiểu được
con người của họ, bạn sẽ không bao giờ biết được mình đang nói chuyện với hạng
người nào.
Những sự khác nhau gốc
rễ
Nguyên nhân khiến cho
người cha giàu nói, “Hãy lắng nghe lời họ và cảm nhận tâm hồn họ”, là bởi vì
tiềm ẩn bên dưới những lời nói ấy chính là những bản chất khác nhau từ gốc rễ
của mỗi cá nhân. Dưới đây là một số điểm khái quát nhằm phân biệt một nhóm
người này với một nhóm người khác.
L: NHÓM NGƯỜI LÀM CÔNG
Khi tôi nghe những từ như "bảo đảm" hay "phúc lợi", tôi có thể cảm nhận được người đang nói chuyện với mình là ai. Từ “bảo đảm” vốn thường được dung khi đối phó với cảm giác sợ hãi. Nếu một người cảm thấy sợ, và người ấy xuất thân từ nhóm L, người ấy sẽ luôn đề cập đến từ đó như một biểu hiện của nhu cầu cần được bảo đảm. Khi đá động đến tiền bạc và công ăn việc làm, có nhiều người rất ghét nỗi sợ ám ảnh thường đi kèm theo với sự bất ổn của nền kinh tế, và chính vì vậy đã khiến họ cảm thấy nhu cầu được bảo đảm là thiết yếu.
Từ “phúc lợi” ám
chỉ đến việc bàn bạc rõ ràng những phần thưởng ngoài lương, một kế hoạch tưởng
thưởng chắc chắn, chẳng hạn như bảo hiểm y tế hay chế độ về hưu. Điều mấu chốt
là họ muốn cuộc sống tương lai của họ được bảo đảm bằng những cam kết trên văn
bản hẳn hoi. Họ không cảm thấy hạnh phúc khi gặp sự bất ổn. Chỉ có sự ổn định,
chắc chắn mới làm họ thấy thoải mái trong cuộc sống. Tận sâu trong lòng họ luôn
nhắc nhở “Tôi cho bạn điều này, bạn phải cho tôi lại điều khác”.
Để có thể trấn
áp và chế ngự nỗi sợ, họ đi tìm sự bảo đảm và những thỏa thuận chắc chắn trong
việc làm. Điều đó giải thích tại sao họ có lý riêng của họ khi phát biểu như vầy,
“Tôi không quá quan tâm đến tiền bạc”.
Đối với những
người thuộc nhóm này, ý niệm về sự bảo đảm và ổn định còn quan trọng hơn cả tiền
bạc.
Người làm công
có thể trở thành chủ tịch công ty hay quản lý tập đoàn. Vấn đề quan trọng đối với
những người này không phải là phạm vi công việc hay trách nhiệm mà chính là những
thỏa thuận hợp đồng họ ký với công ty hay tập đoàn thuê mướn họ.
T: NHÓM NGƯỜI
LÀM TƯ
Có những người muốn “làm sếp cho chính mình”, hoặc “tự mình làm việc lấy”.
Tôi gọi nhóm người
này là nhóm “tự làm lấy”.
Thông thường,
khi đụng đến vấn đề tiền bạc, một người thuộc nhóm T không thích nguồn thu nhập
của mình bị lệ thuộc vào người khác. Nói cách khác, nếu một người nhóm T làm việc
cật lực, họ sẽ đòi hỏi được trả xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Những người
thuộc nhóm này không thích nguồn thu nhập của mình bị quyết định bởi một cá
nhân hay một nhóm người nào khác không làm việc cật lực ở mức độ như họ. Nếu muốn
họ bỏ công sức nhiều, bạn phải trả họ xứng đáng. Dĩ nhiên, họ cũng hiểu rất rõ
một khi họ không bỏ công nhiều, họ sẽ không được trả nhiều. Đối với tiền bạc,
những người thuộc nhóm này rất có ý thức độc lập.
Cảm giác sợ hãi
Như vậy một nhóm
người L thường phản ứng với nỗi sợ không có tiền bằng cách đi tìm sự bảo đảm,
còn người thuộc nhóm T lại phản ứng một cách khác hẳn. Những người thuộc nhóm T
phản ứng với cảm xúc đó không phải bằng cách đi tìm sự bảo đảm, mà họ sẽ cố kiểm
soát và làm chủ tình huống để xử lý và hành động theo cách riêng của mình. Điều
đó giải thích tại sao tôi gọi nhóm người T là nhóm “tự làm lấy”. Khi đương đầu
với nỗi sợ và rủi ro về tài chính, họ muốn “nắm lấy sừng trâu và điều khiển nó
theo ý mình”.
Trong nhóm này bạn
sẽ dễ nhận thấy nhiều chuyên gia trí thức đã bỏ nhiều năm trong trường đại học
như bác sĩ, luật sư và nha sĩ
Cũng thuộc về
nhóm này còn gồm những người đi theo một lối giáo dục khác hẳn hoặc bổ sung cho
nền giáo dục truyền thống. Đó là những người bán hàng kiếm hoa hồng như môi giới
bất động sản chẳng hạn, cũng như những chủ kinh doanh nhỏ thuộc dạng hộ cá thể
hay đối tác như chủ shop, chủ thầu, chủ nhà hàng, chuyên viên tư vấn, bác sĩ
chuyên khoa, đại lý du lịch, thợ sửa xe, thợ sửa ống nước, thợ mộc, thợ điện,
thợ làm tóc, nhà diễn thuyết và các nghệ sĩ.
Câu điệp khúc ưa
thích nhất của nhóm này luôn là: “Không ai làm chuyện đó hay hơn tôi”, hoặc
như: “Tôi sẽ làm theo cách của tôi”.
Những người làm tư
thuộc nhóm này thường là những người theo trường phái “toàn hảo”. Họ luôn muốn
làm một điều gì đó đặc biệt và xuất sắc hơn người. Trong thâm tâm họ không bao
giờ nghĩ rằng sẽ có ai đó làm tốt hơn chính mình, cho nên họ thực sự không tin
vào khả năng của ai có thể làm tốt theo cách mà họ thích, cái cách mà họ cho là
“đi đúng hướng”. Ở một vài khía cạnh nào đó, họ chính là những nghệ sĩ thực thụ
theo phong cách và phương pháp làm việc do chính họ đề xướng.
Và đó là lý do tại
sao xã hội đã thuê mướn những con người như vậy. Nếu bạn cần tới một bác sĩ giải
phẫu não, bạn muốn vị bác sĩ đó phải có nhiều năm kinh nghiệm và trình độ,
nhưng điều quan trọng hơn hết là bạn muốn vị bác sĩ ấy phải là một nhà “toàn hảo”.
Và quan điểm đó cũng đồng thời áp dụng cho nha sĩ, thợ làm tóc, chuyên viên tư
vấn về tiếp thị, thợ sửa ống nước, thợ điện, thầy bói, luật sư hay một chuyên
viên tư vấn về công ty. Khi thuê mướn những người như vậy, bạn với tư cách là
khách hàng dĩ nhiên luôn mong muốn người mình tìm là người giỏi nhất.
Đối với nhóm
này, tiền bạc sẽ không quan trọng bằng công việc. Sự độc lập trong suy nghĩ, sự
tự do trong cách làm, và việc được nể trọng như một bậc thầy trong lĩnh vực
chuyên môn, đối với họ còn quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc. Cho nên khi
thuê mướn họ, cách hay nhất là bạn nên bảo họ những gì bạn muốn làm và cứ để mặc
họ tự lo liệu. Họ không muốn mà cũng chẳng cần bất kỳ sự giám sát nào. Nếu bạn
can thiệp vào quá nhiều, họ sẽ bỏ đi ngay và bảo bạn mướn người khác. Tiền bạc
thực sự không phải là vấn đề hàng đầu, mà chính là sự độc lập làm việc của họ.
Nhóm người này
thường gặp phải khó khăn khi đi thuê mướn người khác làm cho họ, chỉ bởi vì
trong đầu họ luôn cho rằng không có ai có thể đảm đương công việc của họ. Và điều
đó đã khiến cho nhóm này hay than phiền, “Thời nay thật khó mà kiếm được người
giúp việc giỏi”.
Một trở ngại
khác là khi nhóm người này đào tạo cho một ai đó làm những gì mà họ đang làm,
người mới vào nghề đó lại thường trở thành giống như họ, tức là “làm theo cách
của mình”, “làm chủ lấy mình”, và “có cơ hội biểu lộ bản sắc tài ba của mình”.
Chính vì lý do
đó, nhiều người thuộc nhóm T rất miễn cưỡng khi tuyển dụng và huấn luyện người
khác chỉ vì họ sẽ bị cạnh tranh hơn nữa một khi những kẻ tập sự ấy đã rành nghề
và rời bỏ họ. Tình huống đó lại càng đẩy họ làm việc cật lực hơn và đơn độc hơn.
C: NHÓM CHỦ
DOANH NGHIỆP HAY CÔNG TY
Nhóm người này hầu
như hoàn toàn đối lập với nhóm T. Những người thực sự thuộc nhóm C thích bao
quanh mình những người thông minh khác từ cả bốn nhóm L, T, C và Đ. Không giống
như những người thuộc nhóm T vốn không thích chia sẻ công việc (vì không ai có
thể làm tốt hơn họ), người nhóm C lại thích phân chia công việc. Câu tâm niệm của
một người nhóm C chính là: “Tại sao lại gánh lấy công việc đó trong khi ta có
thể mướn người khác làm việc cho ta, nhiều khi còn giỏi hơn cả mình”.
Henry Ford là một điển hình của nhóm này.
Có một câu chuyện truyền khẩu về nhân vật ly kỳ này như sau. Một nhóm trí thức lớn tiếng chỉ trích và chê bai
Ford là ngu dốt, không biết một tí gì. Ford mời họ vào văn phòng làm việc của
mình và thách những người này có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào mà Ford không trả lời
được. Thế là nhóm trí thức đó vây quanh một trong những nhà công nghiệp có quyền
lực nhất của nước Mỹ, và liên tiếp chất vấn. Ford lắng nghe hết mọi câu hỏi và
khi mọi người không còn hỏi nữa, ông chỉ nhấc máy điện thoại lên và triệu
vào một vài trợ lý giỏi của ông, yêu cầu họ trả lời tất cả những câu hỏi của nhóm trí thức đó. Ông đã kết thúc buổi họp mặt
bằng một câu tuyên bố với nhóm trí thức rằng, chẳng thà ông mướn những người
thông minh có học thức tìm ra câu trả lời để ông có thể dành trí óc sáng suốt
cho những công việc quan trọng khác, những công việc chẳng hạn như “suy nghĩ”.
Một trong những câu nói nổi tiếng của
Ford: :”Suy nghĩ là một công việc khó khăn nhất. Đó chính là lý do tại sao rất
ít người muốn làm điều đó”.
Lãnh đạo là khả năng sử dụng
những ưu thế sở trường của mọi người
Thần tượng của người
cha giàu là Henry Ford. Người đã bắt tôi đọc những quyển sách về các nhân vật
như Ford, hoặc John D.Rockefeller – vua dầu hỏa. Người thường xuyên khuyến
khích tôi và con trai của Người trau dồi những kỹ năng lãnh đạo mấu chốt và thuật
kinh doanh. Giờ đây khi hồi tưởng lại, tôi có thể hiểu được nhiều người có được
kỹ năng này hoặc kỹ năng kia, nhưng để trở thành một người thành công trong
nhóm C, người ấy cần phải có hai loại kỹ năng đó. Tôi cũng nhận ra rằng hai loại
kỹ năng ấy có thể học hỏi và tự trau dồi. Đối với thuật kinh doanh và khả năng
lãnh đạo, cả hai đều có khía cạnh của khoa học và xã hội. Và cả hai đều cần phải học hỏi suốt đời.
Lãnh đạo, như
người cha giàu đã nói, chính là “khả năng sử dụng những ưu thế sở trường của
con người”. Chính vì vậy Người đã rèn luyện tôi và con của Người những thủ thuật
chuyên môn cần thiết để thành công trong kinh doanh, chẳng hạn như khả năng đọc
hiểu các báo cáo tài chính, khả năng tiếp thị, kỹ năng bán hàng, kế toán, quản
trị, sản xuất và điều đình. Người nhấn mạnh đến việc học cách làm việc chung
cũng như cách lãnh đạo người khác. Người luôn nói, “Những thủ thuật kinh doanh
học không khó, cái khó chính là ở chỗ làm việc chung với mọi người”.
Các kiểu trở thành doanh nhân
Tôi thường nghe
mọi người nói, “Tôi sẽ khởi sự kinh doanh cho chính mình”.
Nhiều người có
khuynh hướng cho rằng con đường đạt đến sự bảo đảm về tiền bạc và hanh phúc
chính là “tự làm những điều anh thích”, hoặc “tung ra một sản phẩm mà chưa ai
làm”. Vì thế, họ vội vã đổ xô vào kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, họ đã đi
theo lối hình 1
Hẳn nhiên, không
nhất thiết nhóm này phải tốt hơn nhóm kia, cả hai nhóm đều có những điểm yếu cũng như những điểm mạnh riêng, có mức độ rủi ro và phần thưởng đền bù khác
nhau. Thế nhưng, rất nhiều người muốn bắt đầu ngay từ nhóm C nhưng lại kết thúc
với nhóm T và bị kẹt dính vào trong đó trên con đường chinh phục vào thế giới
bên phải của Kim tứ đồ.
Sự khác nhau giữa cách kinh doanh của nhóm T với cách kinh doanh của nhóm C
Có những người
nhóm C thực thụ có thể bỏ mặc việc kinh doanh của họ hơn cả năm trời, để rồi
quay lại thấy chuyện kinh doanh của mình ngày càng có lời và hoạt động càng có
hiệu quả hơn lúc họ vắng mặt. Trong khi đó, đối với một người thuộc nhóm T, nếu
người ấy bỏ đi hơn cả năm trời, chắc chắn chuyện kinh doanh của họ sẽ chẳng
còn ra thể thống gì nữa.
Vậy điều gì đã tạo
ra sự khác nhau đó? Nói theo cách đơn giản, người nhóm T làm chủ công việc. Trong khi đó, người nhóm C
làm chủ hệ thống, quy trình và sau đó
mướn những người có khả năng điều hành hệ
thống đó. Hay nói một cách khác, trong phần lớn trường hợp, bản thân người nhóm
T đã chính là một “hệ thống”, cho nên họ
không thể nào bỏ mặc chuyện kinh doanh của mình. N
Thử lấy ví dụ của một nha sĩ. Vị nha sĩ bỏ hàng năm trời miệt mài trong trường lớp để trở thành một hệ thống độc lập. Bạn là thân chủ bị đau răng, thế là bạn đi khám ở phòng mạch vị nha sĩ đó. Vị nha sĩ sẽ chữa răng cho bạn, và bạn trả tiền rồi đi về. Bạn cảm thấy vừa lòng và truyền miệng với bạn bè về vị nha sĩ tuyệt vời đó. Hầu hết trong mọi trường hợp, vị nha sĩ ấy tự mình làm tất cả mọi chuyện.Vấn đề ở chỗ một khi vị nha sĩ ấy làm và đi du lịch, thu nhập của anh ta cũng “nghỉ” ngay.
Trái lại, những
người chủ kinh doanh nhóm C có thể đi du lịch suốt bởi vì họ làm chủ một hệ thống,
một quy trình chứ không phải một công việc. Khi người nhóm C đi du lịch, tiền bạc
vẫn chảy vào túi người ấy đều đều.
Như vậy để trở thành một người nhóm C thành công cần phải có:
A. Quyền sở hữu hay quyền kiểm soát hệ thống, quy trình; và
B. Khả năng lãnh đạo những người khác
Với những người
nhóm T muốn trở thành người nhóm C, họ cần phải tự chuyển biến con người của
mình và những gì họ biết về cách vận hành một hệ thống. Đáng tiếc thay, nhiều
người không thể làm được chuyện đó, hoặc họ quá say mê với chính hệ thống của
mình.
Bạn có thể làm một ổ bánh mì
kẹp thịt ngon hơn tiệm McDonald’s không?
Nhiều người đến
xin tôi lời khuyên làm thế nào khởi sự một công ty, hoặc làm thế nào gọi vốn
cho một sản phẩm hay một ý tưởng kinh doanh mới.
Thông thường,
tôi ngồi im lắng nghe trong khoảng mười phút, và trong thời gian ấy, tôi có thể
nhận ra mức độ quan tâm của họ. Họ quan tâm đến sản phẩm hay hệ thống kinh
doanh? Tôi thường nghe những câu nói thế này (hãy nhớ không gì quan trọng bằng
lắng nghe và xem xét bản chất của người đối thoại từ những lời họ nói với bạn):
- -
Sản
phẩm này tốt hơn hẳn loại sản phẩm mà công ty kia làm ra
- -
Tôi đã
thăm dò nhiều nơi, nhưng chưa thấy ai bán loại sản phẩm này
- -
Tôi sẽ
chia sẻ với anh ý tưởng về sản phẩm này, nhưng anh phải chia cho tôi 25% lợi
nhuận
- -
Tôi đã
từng có kinh nghiệm hàng năm trời về sản phẩm này
Đó chính là những
câu nói của một người bắt rễ từ phần bên trái của Kim tứ đồ, nhóm L hay T.
Những lúc ấy,
tôi phải thật tế nhị bởi vì tôi đang đối thoại với những giá trị, những tư tưởng
mà những người này đang khư khư bám chặt lấy trong nhiều năm, thậm chí qua nhiều
thế hệ. Nếu tôi không tế nhị hoặc không kiên nhẫn, tôi có thể làm tan vỡ ngay sự
háo hức của họ với ý tưởng kinh doanh thật nhạy cảm nhưng cũng thật bấp bênh,
và nhất là tôi có thể sẽ làm thui chột ý chí của những người đang muốn vượt rào
từ nhóm này sang nhóm khác.
Ổ bánh mì kẹp thịt và chuyện
làm ăn
Vì tôi cần phải
cẩn trọng khi trò chuyện đến đây, tôi thường dùng ví dụ về ổ bánh mì kẹp thịt
McDonald’s để phân tích. Sau khi lắng nghe mọi nỗi niềm của họ, tôi chậm rãi hỏi,
“Bạn có thể tự mình làm một ổ bánh mì kẹp thịt ngon hơn của tiệm McDonald’s được
không?”
Cho tới nay, tất
cả những người mà tôi đã gặp khi đưa ra ý tưởng về một sản phẩm mới, lúc được hỏi
câu hỏi đó đều nói “có”. Tất cả họ đều có thể xuống bếp và làm một ổ bánh mì kẹp
thịt có chất lượng vượt xa tiệm McDonald’s.
Và khi ấy, tôi
liền hỏi họ câu hỏi tiếp theo, “Vậy bạn có thể tự mình xây dựng một hệ thống
kinh doanh tốt hơn McDonald’s không?”
Vài người nhìn
thấy sự khác nhau ngay lập tức, còn số khác thì không. Và tôi có thể nói sự
khác nhau đó tùy thuộc vào vị trí của người của người ấy trên Kim tứ đồ - phía
bên trái Kim tứ đồ, chỉ biết quan tâm đến ý tưởng một ổ bánh mì ngon hơn, hoặc
phía bên phải của Kim tứ đồ, có thể đặt hết quan tâm vào hệ thống kinh doanh.
Tôi đã cố gắng mọi
cách để giải thích có biết bao doanh nhân ngoài kia đang cung cấp những hàng
hóa và dịch vụ có chất lượng vượt xa hơn những tập đoàn đa quốc gia đồ sộ, cũng
như trên thế giới hiện có hàng tỉ người có thể làm một ổ bánh mì kẹp thịt ngon
hơn McDonald’s. Nhưng chỉ có mỗi McDonald’s có được một hệ thống có thể phục vụ
hàng tỉ ổ bánh mì kẹp thịt cho mọi người trên thế giới.
Hãy nhìn về những nhóm bên
kia
Khi mọi người có
thể bắt đầu nhìn thấy những nhóm bên kia (tức là nhóm C hoặc nhóm Đ), tôi liền
đề nghị họ thử đi đến tiệm McDonald’s, mua một ổ bánh mì kẹp thịt và vừa ăn vừa
quan sát hệ thống đã làm ra ổ bánh đó. Hãy ghi chú những chuyến xe tải chở đến
những ổ bánh mì bột còn sống, những chủ trai nuôi bò, kẻ đi đặt mua thịt bò và
mẩu quảng cáo trên tivi với Ronald McDonald’s. Hãy quan sát việc huấn luyện những
thanh thiếu niên đang tập sự bán hàng cùng câu chào với khách “Xin chào bạn, rất
hoan nghênh bạn đến tiệm McDonald’s”. Hãy để ý đến cách bài trí trong các cửa tiệm
McDonald’s, phạm vi địa bàn mỗi tiệm, các lò nướng bánh mì, và hàng triệu ký
khoai tây chiên ở khắp thế giới đều có cùng một vị y hệt nhau. Và đừng quên những
nhà môi giới cổ phiếu đang gọi vốn cho McDonald’s ở Phố Wall. Một khi họ có thể
hiểu được toàn bộ bức tranh hoạt động của hệ thống McDonald’s, họ sẽ có nhiều
cơ hội hơn để đi vào nhóm C và Đ trên Kim tứ đồ.
Thực tế là trong
khi có vô vàn những ý tưởng mới, có hàng tỉ người cung cấp hàng hóa và dịch vụ,
và có hàng tỉ sản phẩm khác nhau, lại có rất ít người biết cách xây dựng những
hệ thống kinh doanh tuyệt vời cho chính họ.
Bill Gates của
Microsoft không làm ra một sản phẩm vĩ đại, mà chính ông đã mua nó lại từ tay
người khác và thiết lập nên một hệ thống toàn cầu vĩ đại xung quanh sản phẩm
đó.
Đ: NHÓM NGƯỜI ĐẦU
TƯ
Những người đầu
tư làm ra tiền từ tiền. Những người này không cần phải làm việc bởi vì đồng tiền
đã làm việc cho họ.
Nhóm Đ chính là
sân chơi của người giàu. Bất kể ai đang kiếm tiền từ nhóm nào, nếu người ấy muốn
giàu có, người ấy phải đạt tới đích sân chơi của nhóm Đ. Chính tại nhóm Đ này,
tiền bạc được chuyển đổi thành của cải và sự giàu có.
Kim tứ đồ
Đó chính là Kim
tứ đồ. Kim tứ đồ chỉ đơn giản đưa ra sự khác nhau về cách tạo ra thu nhập của
người thuộc nhóm L, T, C hay Đ. Sự khác nhau ấy có thể được tóm tắt trong hình
sau:
Phần lớn chúng
ta đều nghe về những bí mật làm giàu trở thành tỉ phú như thế này
- Thời gian của người khác
- Tiền bạc của người khác
Xài tiền hết ga
Khi đề cập đến
xe hơi, chúng ta hay nghe đến chuyện “chạy hết ga”. Dĩ nhiên ở tốc độ “chạy hết
ga” đó vẫn phải đảm bảo xe không bị xì khói
hay cháy máy.
Đối với chuyện
tiền bạc cũng vậy. Có rất nhiều người bất kể giàu hay nghèo cũng xài tiền ở mức
“hết ga”. Kiếm được bao nhiêu tiền, họ đều xài thẳng tay. Vấn đề nằm ở chỗ khi
một chiếc xe cứ chạy hết ga như vậy, chắc chắn tuổi thọ của máy xe sẽ bị giảm
đi rất nhiều. Điều đó cũng tương tự với cách xài tiền hết ga.
Nhiều người bạn
của tôi là bác sĩ cho biết, vấn đề xã hội hiện nay là ngày càng có nhiều người
bị áp lực căng thẳng do làm việc nhiều mà không bao giờ có đủ tiền. Một người bạn
bảo nguyên nhân lớn nhất thường gây ra rối loạn về sức khỏe chính là triệu chứng
“ung thư túi tiền”.
Tiền làm ra tiền
Bất kể bao nhiêu
thu nhập kiếm được, bạn cũng nên dành một ít bỏ vào nhóm Đ. Nhóm Đ đặc biệt
luôn hành động theo phương châm tiền làm ra tiền, hoặc quan điểm bắt đồng tiền
làm việc cho mình sao cho bạn không cần phải làm việc cật lực hơn nữa. Thế
nhưng điều quan trọng ở chỗ là có rất nhiều cách đầu tư khác nhau.
Các hình thức đầu tư khác
nnhau
Mọi người thường
đầu tư vào chuyện học của mình. Hệ thống giáo dục truyền thống rất quan trọng bởi
vì bạn càng có học thức, bạn sẽ càng dễ kiếm ra tiền. Bạn có thể mất bốn năm học
đại học, nhưng bù lại mức thu nhập của bạn có thể tĂng từ 24.000 đô la lên đến
50.000 đô la mỗi năm. Nếu giả sử một người
trung bình có thể làm việc tích cực trong suốt bốn mươi năm, việc bỏ bốn năm
vào đại học hay sau đại học thực sự là một cách đầu tư tuyệt vời.
Làm việc cần cù
và trung thành là một cách đầu tư khác, chẳng hạn như trường hợp một nhân viên
làm lâu năm trong một công ty hay một chính phủ. Thế nhưng bù lại người ấy sẽ
nhận được một khoản tiền về hưu kếch xù theo như hợp đồng. Hình thức đầu tư ấy
rất phổ biến trong Thời Đại Công Nghiệp, nhưng hoàn toàn lỗi thời trong Thời đại
Thông Tin.
Nhiều người khác
đầu tư bằng cách sinh nhiều con và có một đại gia đình, và bù lại họ có thể nhờ
cậy con mình lúc về già. Cách đầu tư ấy một thời rất thông dụng trong các thế kỷ
trước, thế nhưng do điều kiện kinh tế mỗi lúc một khó khăn hơn ở thời đại mới,
nhiều gia đình đã coi việc nuôi cha mẹ già như một gánh nặng bắt buộc.
Những kế hoạch về
hưu của chính phủ như Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế ở các nước (trong đó có
Việt Nam), mà những khoản bảo hiểm này được trả bằng cách khấu trừ lương, cũng
là một cách đầu tư nhưng lại được áp đặt bởi luật pháp. Tuy nhiên do những biến
động lớn về nhân khẩu và giá cả sinh hoạt, hình thức đầu tư này không chắc bảo
đảm những quyền lợi được hưởng của người tham gia như chính phủ đã cam kết.
Cũng có những
hình thức đầu tư về hưu độc lập khác, chẳng hạn như kế hoạch về hưu cá nhân.
Thông thường chính phủ sẽ đặc cách miễn giảm thuế cho cả người lao động và người
sử dụng lao động nếu tham gia những chương trình này (1)
(1) (1) Chẳng hạn như ở
Úc, ngoài mức 8% bảo hiểm xã hội trích từ lương mà người lao động phải tham gia
theo quy định của pháp luật, người lao động có thể chọn cách trích từ lương một
khoản đóng vào quỹ hưu trí cá nhân, của chính phủ hay của các công ty đầu tư.
Những khoản này có thể làm miễn giảm thuế thu nhập cá nhân khi khai thuế hàng
năm. (LND)
Mặc dù tất cả những hình thức kể trên đều được coi là đầu tư,
nhóm Đ thường tập trung vào những khoản đầu tư đem lại thu nhập liên tục trong
suốt thời gian làm việc của họ. Tiêu chuẩn để trở thành một người thuộc nhóm Đ
cũng giống như tất cả những nhóm khác, đó là bạn có kiếm được tiền từ chính
nhóm Đ hay không. Nói cách khác, tiền bạc có làm việc cho bạn và tạo thu nhập
cho bạn hay không.
Thử xem xét một người mua một căn nhà để đầu tư bằng cách cho
thuê. Nếu tiền thuê nhà thu được nhiều hơn chi phí bỏ ra để duy trì căn nhà,
nguồn thu nhập đó xuất phát từ nhóm Đ. Điều đó cũng tương tự với những người có
thu nhập từ tiền lời tiết kiệm, hay lãi cổ phần hoặc trái phiếu. Như vậy, tiêu
chuẩn của nhóm Đ chính là bao nhiêu tiền bạn kiếm được từ nhóm này mà không cần
phải làm việc trong nhóm đó.
Qũy về hưu của tôi có phải là một hình thức đầu tư không?
Bỏ tiền vào quỹ về hưu đều đặn là một cách đầu tư và cũng là
việc làm khá hay. Hầu hết chúng ta đều hy vọng trở thành nhà đầu tư khi chúng
ta về hưu, thế nhưng đối với mục đích của quyển sách này, nhóm Đ không phải như
vậy mà là những người kiếm được tiền từ những khoản đầu tư ngay trong những năm
chúng ta còn làm việc. Thực tế là không phải ai cũng tiết kiệm bỏ tiền vào quỹ
hưu trí của mình. Hầu như đa số mọi người khi bỏ tiền vào quỹ hưu trí đều hy vọng
một khi về hưu, số tiền trong quỹ đó sẽ trở nên nhiều hơn so với số họ bỏ vào
trong suốt những năm qua.
Hoàn toàn có sự khác biệt rõ ràng giữa những người tiết kiệm
tiền kiểu đó, với những người, bằng cách đầu tư đã chủ động điều khiển đồng tiền
làm việc tạo ra thêm thu nhập cho mình.
Thế những người môi giới cổ phiếu có phải là nhà đầu tư không?
Nhiều người làm nghề tư vấn trong giới đầu tư theo định nghĩa
không phải là những người thực sự tạo ra thu nhập cho mình từ nhóm Đ.
Chẳng hạn, phần lớn các nhà môi giới cổ phiếu, địa ốc, tư vấn
tài chính, chủ ngân hàng và chuyên viên kế toán, về bản chất chỉ là những người
thuộc nhóm L hay T. Nghĩa là thu nhập của họ kiếm được từ công việc chuyên môn
của họ, chứ không phải từ những tài sản do họ làm chủ.
Tôi có nhiều người bạn sống bằng nghề mua bán cổ phiếu. Họ
mua cổ phiếu ở giá thấp và hy vọng bán lại ở giá cao. Như vậy, họ chỉ thực sự sống
bằng nghề “mua bán”, chẳng khác gì với một người chủ tiệm bán lẻ, mua hàng hóa
giá sỉ và bán ra với giá bán lẻ. Họ vẫn phải bỏ công sức của chính họ để kiếm
ra tiền. Chính vì thế, những người ấy thuộc về nhóm T nhiều hơn là nhóm Đ.
Thế tất cả mọi người có thể trở thành nhà đầu tư không? Dĩ
nhiên là có thể, nhưng điều quan trọng là cần phải biết sự khác nhau giữa một
người kiếm thu nhập từ hoa hồng, hay tư vấn tính theo giờ hoặc trả bằng lương,
hay cố mua thấp bán cao, với một người kiếm được tiền do tìm thấy hay tạo ra những
cơ hội đầu tư béo bở.
Có một cách tìm ra một nhà tư vấn giỏi. Đó là, hãy hỏi họ bao
nhiêu phần trăm thu nhập của họ kiếm được từ hoa hồng, phí tư vấn so với khoản
thu nhập thụ động kiếm được từ các khoản đầu tư hay những công việc kinh doanh
do họ làm chủ.
Tôi được nhiều bạn là chuyên viên kế toán tiết lộ (mà không
vi phạm bí mật thông tin khách hàng), nhiều người tư vấn đầu tư chuyên nghiệp hầu
như kiếm được rất ít thu nhập từ các khoản đầu tư. Nói cách khác, “họ không thực
hành như những gì mà họ chỉ vẽ cho người khác”.
Những ưu điểm của thu nhập kiếm được từ nhóm Đ
Như vậy sự khác nhau chủ yếu phân biệt nhóm Đ là những người
này tập trung vào việc điều khiển đồng tiền tạo ra thêm tiền. Nếu họ thực sự giỏi
việc đó, họ có thể khiến đồng tiền làm việc cho chính họ và gia đình họ suốt
hàng trăm năm.
Ngoài ưu điểm rõ ràng nhất là biết cách điều khiển đồng tiền
mà không phải mỗi sáng thức dậy đi làm, còn có nhiều ưu điểm khác về thuế mà những
người làm công không có được.
Một trong nhiều nguyên nhân làm cho người giàu mỗi lúc một
giàu hơn là bởi vì đôi khi họ có thể kiếm được hàng triệu đô la mà không phải
trả một đồng thuế nào một cách hợp pháp. Đó là bởi vì họ tạo ra tiền từ “cột tài sản”, chứ không phải “cột thu nhập”.
Nghĩa là họ kiếm tiền như một nhà đầu tư, chứ không phải người làm công.
Đối với những người làm việc vì tiền, họ không những bị đánh
thuế cao hơn, mà sẽ chẳng bao giờ thấy được khoản tiền mà thuế đã lấy đi từ thu
nhập của họ.
Tại sao không có nhiều người hơn trở thành nhà đầu tư?
Những người nhóm Đ là những người làm việc ít, kiếm tiền nhiều,
và trả thuế ít. Thế thì tại sao không có nhiều người hơn trở thành nhà đầu tư?
Lý do giải thích câu hỏi đó cũng tương tự với nguyên nhân tại sao không có nhiều
người dám tự kinh doanh cho chính mình. Chỉ có thể tóm tắt trong một từ: “rủi
ro”.
Nhiều người không thích nghĩ đến việc đưa hết số tiền dành dụm
mà họ làm lụng cực khổ để rồi không bao giờ thấy số tiền đó quay lại với mình.
Nhiều người rất sợ bị mất tiền, chẳng thà họ chọn không đầu tư, không đương đầu
với rủi ro cho dù họ có thể kiếm được rất
nhiều tiền đi chăng nữa.
Một tài tử điện ảnh Hollywood từng tuyên bố: “Tôi không quan
tâm đến mức lời kiếm được từ đầu tư. Điều tôi lo lắng nhất là số tiền đầu tư đó
tôi có lấy lại được hay không”.
Chính vì nỗi lo sợ bị mất tiền đó đã vô hình trung phân biệt bốn nhóm người đầu tư như sau:
- Những người không dám mạo hiểm và không làm gì hết, chỉ chọn lối chơi an toàn và bỏ tiền vào tài khoản ngân hàng.
- Những người giao chuyện đầu tư cho người khác quản lý, như chuyên viên tư vấn tài chính hay nhà quản lý quỹ hỗ tương
- Những người thich trò đỏ đen
- Những nhà đầu tư thực thụ
Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư xuất chúng
của thế giới đã nói như thế này về kiểu, “đa dạng hóa”: “Chiến lược mà chúng
tôi áp dụng không theo trường phái phải đa dạng hoá giáo điều. Nhiều người phê
bình chiến lược đó có nhiều rủi ro hơn những chiến lược thông thường. Chúng tôi
không đồng ý với lời phê bình đó. Chúng tôi tin rằng một chính sách đầu tư danh
mục tập trung có lựa chọn có khả năng giảm mức rủi ro rất nhiều nếu chính sách
đó có thể khiến cho người đầu tư đặt vấn đề hết sức nghiêm túc như với chuyện
làm ăn, mà đồng thời vẫn làm cho người đầu tư cảm thấy yên tâm với những khía cạnh
kinh tế của danh mục trước khi anh ta quyết định mua nó”.
Nói cách khác, Warren Buffett cho rằng kiểu đầu tư nhắm
vào một danh mục tập trung là một chiến lược tốt hơn kiểu đa dạng hóa. Theo ý của
ông, thay vì dàn trải, sự tập trung sẽ khiến bạn suy nghĩ và hành động một cách
khôn ngoan hơn, cẩn thận hơn. Bài báo của ông còn đề cập tới việc một người đầu tư trung bình thường tránh sự
biến động vì họ thường đồng nhất sự biến động với rủi ro. Thay vào đó, Warren
Buffett đã viết, “Trong thực tế, những người đầu tư chuyên nghiệp lại rất ưa
thích có biến động”.
Đối với hai vợ chồng tôi, để thoát khỏi sự nghèo khó và đạt đến sự tự do hoàn toàn về tiền bạc, chúng tôi đã không đa dạng hóa mà tập trung vào một số ít khoản đầu tư của mình.
2. CỔ PHIẾU BLUE CHIP (1) – Những người đầu tư theo kiểu chơi an toàn thường hay mua những cổ phiếu blue chip. Tại sao vậy? Bởi vì trong đầu họ luôn cho rằng những loại cổ phiếu này an toàn hơn. Trong khi những công ty đó an toàn, thị trường chứng khoán lại không an toàn tí nào (2)
(1) Thuật ngữ chỉ những cổ phiếu của các đại công ty hay tập đoàn lớn (LND)
(2) Cổ phiếu của tập đoàn hàng không Ansette (Úc) và tập đoàn năng lượng Enron (Mỹ) từng được liệt vào loại "blue chip". Vào năm 2001, cả hai tập đoàn này đều bị phá sản. (LND)
3. QUỸ HỖ TƯƠNG – Những người có ít kiến thức về đầu tư thường cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư số tiền dành dụm của họ vào các quỹ hỗ tương, bởi vì họ nghĩ những nhà quản lý các quỹ này có chiến lược đầu tư giỏi hơn họ. Đối với những người không có ý định trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đây là một cách làm rất khôn ngoan. Thế nhưng vấn đề ở chỗ là các quỹ hỗ tương này chưa chắc chắn ít rủi ro hơn. Trong thực tế, nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán, chúng ta vẫn có thể thấy một cuộc biến động lớn mà tôi tiên đoán đó là “một cuộc khủng hoảng của thị trường quỹ hỗ tương”, mà ảnh hưởng tai họa của nó sẽ khủng khiếp chẳng kém cuộc khủng hoảng đối với các thị trường tài chính khác đã từng xảy ra trong lịch sử, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng thị trường mua bán hoa tulip vào năm 1610, và cuộc khủng hoảng South Seas Bubble vào năm 1620, và cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu vào năm 1990.
Ngày hôm nay, thị trường đầy ắp hàng triệu người, về mặt bản chất là những người đi tìm kiếm sự an toàn, nhưng do áp lực của những biến động kinh tế đã khiến họ từ phía bên trái của Kim tứ đồ phải “vượt rào” đi sang phía bên phải, mà ở đó không hề cho phép sự tồn tại của những ý tưởng về an toàn, đảm bảo. Chính điều đó mới làm cho tôi cảm thấy lo lắng nhất. Nhiều người vẫn cho rằng các chương trình hưu trí mà họ đang tham gia là an toàn, nhưng thực tế lại không hề an toàn tí nào. Một khi xảy ra một cuộc sụp đổ hay khủng hoảng lớn, những kế hoạch hưu trí đó của họ sẽ tan thành mây khói. Những kế hoạch hưu trí đó của họ không an toàn như những chương trình hưu trí của những thế hệ trước.
Những bước ngoặt lớn về kinh tế đang tới gần
Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy có một bước ngoặt lớn về kinh tế đang tới gần. Bước ngoặt đó thường đánh dấu sự kết thúc thời đại cũ và mở ra một kỷ nguyên mới. Ở cuối mỗi thời đại, luôn có những người tiên phong, nhưng cũng có nhiều người khác vẫn bám khư khư vào những quan niệm của thời đại trước. Tôi e rằng những người nào vẫn còn trông mong sự bảo đảm tài chính của mình vào trách nhiệm của một đại công ty hay chính phủ, họ sẽ thất vọng trong những năm tới đây. Những ý tưởng đó thuộc về Thời đại Công nhiệp chứ không phải là Thời đại Thông tin.
Không ai có thể tiên đoán về tương lai. Tôi đặt mua báo của nhiều công ty dịch vụ tin tức đầu tư. Các công ty luôn đưa ra lời ước đoán không giống nhau. Công ty này cho rằng tương lai gần rất sáng sửa, trong khi một công ty khác thì tiên đoán một cuộc khủng hoảng thị trường và suy thoái toàn cầu đang sắp xảy ra. Để có thể khách quan, tôi phải lắng nghe từ cả hai phía bởi vì cả hai quan điểm trái người đó đều có cơ sở lý luận chặt chẽ và thuyết phục. Vấn đề cần nắm bắt không phải là kiểu chơi trò coi bói, cố đoán những gì sẽ xảy đến trong tương lai, mà tôi cần phải nắm thông tin kịp thời ở cả hai nhóm C và Đ và chuẩn bị tinh thần đối phó với bất kỳ những gì có thể xảy ra. Một người nếu được chuẩn bị đầy đủ vẫn có khả năng phát triển tốt cho dù nền kinh tế có đi theo hướng nào chăng nữa.
Nếu lịch sử có thể được coi là một trong những công cụ phân tích, một người thọ tới 75 tuổi sẽ trải qua một lần khủng hoảng và hai lần suy thoái kinh tế. Dĩ nhiên, cha mẹ của tôi đều đã trải qua cuộc khủng hoảng trong thời đại của họ, nhưng thế hệ dân Mỹ trong giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam vẫn chưa hề trải qua một cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế nào như vậy cả. Và các chuyên gia kinh tế cho rằng cứ trung bình mỗi 60 năm sẽ xảy ra một cuộc đại khủng hoảng (1).
Ngày nay, tất cả chúng ta cần phải quan tâm đến những vấn đề khác, chứ không chỉ là sự bảo đảm việc làm. Tôi cho rằng điều mà chúng ta cần quan tâm chính là sự bảo đảm về tài chính lâu dài cho chính mình, và không giao khoán trách nhiệm đó cho công ty hay chính phủ. Thời đại đã thực sự thay đổi khi các công ty đồng loạt tuyên bố họ sẽ không còn chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của bạn khi bạn về hưu. Một khi các công ty đều chuyển sang kế hoạch hưu trí đóng góp bảo đảm, họ đã đưa ra thông điệp là từ nay trở đi bạn phải tự lo cho việc về hưu của mình. Ngày hôm nay, tất cả chúng ta cần phải trở thành những nhà đầu tư khôn ngoan hơn, và càng phải cẩn thận hơn với những biến động lên xuống đến chóng mặt của các thị trường tài chính. Tôi thành thật đề nghị với các bạn chẳng thà chúng ta bỏ thời gian học hỏi cách đầu tư hơn là giao tiền của mình cho người khác đầu tư dùm bạn. Nếu bạn chỉ giao tiền cho quỹ hỗ tương hay một chuyên viên tư vấn, bạn có thể phải đợi đến 65 tuổi mới biết được những người ấy có làm tốt công việc bạn giao phó hay không. Nếu như họ bết bát, bạn sẽ phải làm việc lại cho tới cuối cuộc đời mình. Hàng triệu người sẽ lâm vào trường hợp đó bởi vì khi ấy đã quá muộn cho họ tự đầu tư hay học hỏi cách đầu tư.
Hãy học cách quản lý rủi ro
Luôn có cách đầu tư ít rủi ro nhưng vẫn sinh lời cao. Tất cả những gì bạn cần làm là hãy học cách làm sao có thể thực hiện được. Điều đó không khó. Trong thực tế, cách học hỏi ấy chẳng khác gì với cách tập chạy xe đạp. Ban đầu, bạn có thể vấp ngã, té lên té xuống, nhưng dần dần sau đó bạn sẽ không bị ngã, và việc đầu tư sẽ trở thành một bản năng tự nhiên thứ hai giống như việc cưỡi xe đạp.
Vấn đề lớn nhất đối với những người thuộc nhóm bên trái của Kim tứ đồ là khả năng chấp nhận rủi ro. Sở dĩ phần lớn mọi người đều trở thành nhóm L hay T là vì ở những nhóm đó họ nghĩ có thể tránh được những rủi ro về tiền bạc. Thay vì né tránh rủi ro, tôi đề nghị các bạn hãy nên học cách kiểm soát rủi ro việc đầu tư tài chính.
Hãy chấp nhận rủi ro
Những người chấp nhận rủi ro thường là những người làm thay đổi thế giới. Hiếm có ai trở nên giàu có mà không dám chấp nhận rủi ro. Có quá nhiều người vẫn còn dựa vào chính phủ để né tránh những rủi ro về tiền bạc trong cuộc đời. Như chúng ta đã biết, khi Thời đại Thông tin bắt đầu cũng là lúc chấm dứt việc tồn tại những bộ máy chính phủ cồng kềnh, đơn giản là vì chính phủ càng lớn chừng nào thì ngân sách nhà nước sẽ càng tiêu hao nhiều chừng ấy. Điều không may là hàng triệu người trên thế giới vẫn còn dựa vào những ý tưởng về phúc lợi hay an sinh xã hội sẽ bị rớt lại phía sau về tiền bạc. Thông điệp của Thời đại Thông tin là tất cả chúng ta phải tự lực cánh sinh cho chính mình, phải trưởng thành lên trong vấn đề tiền bạc cá nhân của mình.
Quan điểm “hãy ráng học và tìm một công việc an toàn ổn định” là một quan điểm sinh ra từ Thời đại Công nghiệp. Chúng ta không còn sống trong thời đại đó nữa. Thời đại đang thay đổi. Thế nhưng vấn đề là những quan điểm của con người lại không thay đổi. Họ vẫn nghĩ họ có quyền được hưởng một điều gì đó. Họ vẫn cho rằng nhóm Đ không có liên quan gì đến họ cả. Họ cứ nghĩ chính phủ, đại công ty, liên đoàn lao động, quỹ hỗ tương hay gia đình họ sẽ chăm sóc cho họ một khi họ không còn khả năng làm việc nữa. Tôi rất hy vọng là những suy nghĩ đó của họ sẽ đúng. Và những người như thế không cần phải đọc tiếp quyển sách này.
Chính vì quan tâm đến những người nhận thức được nhu cầu trở thành những nhà đầu tư đã thôi thúc tôi viết nên quyển sách này. Quyển sách được viết cho những ai muốn “vượt rào” từ phía bên trái sang phía bên phải của Kim tứ đồ nhưng không biết bắt đầu bằng cách nào. Bất cứ ai cũng có thể đi hết cuộc hành trình “xé rào” ấy nếu có những kỹ năng thích hợp và một ý chí quyết định dứt khoát.
Nếu bạn đã tìm thấy con đường đi đến tự do cho chính bạn, tôi xin thật lòng chúc mừng bạn, và mong bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người khác, và hướng dẫn họ nếu họ cần sự giúp đỡ của bạn. Hãy hướng dẫn những người ấy, nhưng hãy để họ tự kiếm lấy một con đường cho chính mình bởi vì có rất nhiều con đường dẫn đến sự tự do về tài chính.
Dù cho bạn có quyết định như thế nào chăng nữa, mong bạn hãy nhớ một điều này. Sự tự do về tài chính có thể đạt được miễn phí, nhưng cái giá đạt được điều đó không phải rẻ. Đối với tôi, cái giá mà tôi phải trả hoàn toàn xứng đáng với sự tự do mà tôi đạt được. Một bí quyết lớn như thế này: Không cần phải có tiền hay một nền học thức cao mới có thể đạt được sự tự do về tài chính. Mà con đường đi đến sự tự do đó cũng không nhất thiết có nhiều rủi ro đâu. Thay vào đó, cái giá của sự tự do về tiền bạc được đo bằng những giấc mơ, khao khát cháy bỏng, và một khả năng thắng được những nỗi thất vọng sẽ xảy đến với chúng ta trong cuộc hành trình. Bạn có sẵn sang chấp nhận trả cái giá đó không?
Một người cha của tôi đã dám chấp nhận trả cái giá đó, trong khi người kia không dám nhưng lại trả một cái giá khác hẳn hoàn toàn.
Câu đố nhóm C
Bạn có phải là một người thuộc nhóm chủ doanh nghiệp thực thụ?
Nếu bạn trả lời CÓ cho câu hỏi sau, bạn chính là người nhóm C thực thụ.
Bạn có dám bỏ mặc công việc kinh doanh của mình trong khoảng một năm cho người khác, và khi quay lại nhận thấy việc kinh doanh đó sinh lời nhiều hơn và được quản lý tốt hơn so với lúc bạn bỏ đi?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét