Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

TẠI SAO CÁC LOẠI HOA HỒNG CÓ TÊN BLUE ĐỀU CÓ MÀU TÍM?

Bờ-lu mà màu tím, sao mà ngộ ghê há?
Với những người yêu thích trồng hoa hồng, chắc có lẽ mọi người đều biết rằng “Tất tần tật những bạn bán hoa hồng xanh dương trên mạng đều là đang nói xạo!!!”.
Thực tế, trong tự nhiên có hai màu cơ bản không thể xuất hiện trên hoa hồng, đó là màu đen và màu "blue". Màu sắc của hoa hồng, giống như bất kỳ loài hoa nào khác, dựa trên bước sóng màu được hấp thụ và bước sóng màu được phản xạ trở lại. Đồng thời, hoa cũng cần phải có những sắc tố cần thiết để trả lại màu sắc mà ta sẽ nhìn thấy.
Với màu đen, đồng nghĩa với việc hoa sẽ hấp thụ hoàn toàn ánh sáng và không thể phản chiếu lại bất kỳ một bước sóng màu nào. Điều này tuyệt nhiên không thể xảy ra với những loài “thích” sống dưới sự ấm áp của ánh nắng mặt trời như tụi mình vậy, chứ không riêng gì hoa hồng. Tuy nhiên, một vài nhà vườn nổi tiếng trên thế giới vẫn tìm cách lai tạo các giống hồng đen, nhưng thường những bạn đó không thực sự có màu đen mà là màu tím đậm hoặc đỏ sẫm. "Black Baccara" của nhà Meilland là một ví dụ điển hình và nó có màu đỏ tía rất đậm.
Với màu xanh, hoa hồng trong tự nhiên không thể xuất hiện màu xanh dương vì chúng thiếu sắc tố Delphinidin (cũng là một chất chống oxy hóa, được tìm thấy nhiều trong quả việt quất - blueberry). Các nhà khoa học đã tìm ra rằng loại sắc tố mà thực vật tổng hợp được tùy thuộc vào loại gen chúng có. Và bởi vì hoa hồng không có các gen cần thiết để tổng hợp các sắc tố màu xanh, nên chúng không thể tổng hợp Delphinidin, và vì không có Delphinidin nên chúng hổng có màu xanh. Nói túm lại  là, ngay từ lúc mới sinh ra, Mẹ thiên nhiên đã chỉ vào mặt Hồng Hồng và bảo “Mày không có gen màu xanh, con à, cả họ hàng dâu tây và táo nhà mày nữa”.
E hèm, quay trở về câu chuyện của chúng ta. Vậy tại sao đa số các giống hồng màu tím thường có tên Blue? Ví như em Blue Sky của mình được bác Kimura lai tạo ở Nhật vào năm 2012, có màu tím lavender hoặc thường ra màu hồng tím khi trồng ở xứ nóng. Hay gã Blue For You do ngài Peter J. James lai tạo năm 2006, lại có màu tím Violet đậm nhạt tùy theo thời tiết. Hay cô nàng Rainy Blue kiêu kỳ đến từ nước Đức, lại có màu tím hoa cà rất ư là dễ thương?
Nếu biết đã không thể lai tạo được màu xanh thì hà cớ gì, các vị ấy cứ đặt tên bờ-lu này, bờ-lu nọ?
Đã từ lâu, mình mang mãi cái câu hỏi ấy trong lòng, cho đến khi đọc bài viết của bác Kimura (không phải bác Kimura trồng táo, mà bác Kimura trồng hồng nhé, cha đẻ của các em Mon Coeur, For Your Home, Sheherazade và hàng sa số các giống hồng Nhật mà các bạn ở Việt Nam đang trồng í). Mình xin trích dịch một đoạn từ bài viết của bác ấy như sau:
"Mọi người thường bị quyến rũ bởi những thứ không có sẵn. Dù một thứ có đẹp đến đâu, đôi khi con người dần mất hứng thú với những gì họ đã quen thuộc. Cho đến bây giờ, có lẽ các màu sắc mà hoa hồng không có là đen, xanh nhạt và xanh dương. Biểu tượng của màu sắc mà hoa hồng chưa có là màu xanh. Hoa hồng xanh gần như là một từ có nghĩa là "không thể". Việc hoàn thiện bảng màu sắc không phải là sự theo đuổi vẻ đẹp của hoa hồng, mà bạn bị thu hút bởi những thứ trống rỗng, là những thứ bạn chưa có được. Nếu bạn có một bông hồng xanh, bạn có nghĩ nó đẹp không? Một số người đã mang cái hoài niệm đó, nhưng tôi lại không tài nào tưởng tượng được vẻ đẹp của những thứ mà tôi chưa đạt được. Sẽ không có niềm vui thú nào trừ khi bạn tạo ra và được nhìn thấy "hàng thật". Đã 200 năm trôi qua, ước mơ nhân giống một đóa hồng xanh thật sự, không chỉ hoa hồng xanh đậm mà việc chạm đến màu xanh nhạt vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, các nhà lai tạo hoa hồng vẫn không từ bỏ giấc mơ của mình. Họ vẫn đang cố gắng phát triển thành một nhánh nghiên cứu độc lập ở Nhật Bản…”
Cuối cùng, mình cứ nghĩ trong tiếng Anh, "feeling blue" có nghĩa là "buồn". Nhưng giờ đây, cùng với các nhà lai tạo hoa hồng, "feeling Blue" nghĩa là bạn đã "chạm tay vào ước mơ" rồi đấy
Phạm Hồng Thủy
(Tháng 03/2020)

- Chú thích:
Vậy tại sao lại ra màu tím?
Vì để tạo ra giống hồng xanh, phương pháp được các nhà lai tạo sử dụng là tìm cách đưa gen xanh từ các loại hoa khác (như violet chẳng hạn) vào một bông hồng màu đỏ, rồi dùng enzyme làm “im lặng” gen đỏ, để gen xanh “lên tiếng”. Tuy nhiên, enzyme đó không thể “bóp miệng” hoàn toàn gen đỏ nên đỏ + xanh = tím, tím nhiều tím ít thì phụ thuộc vào khách đến chơi nhà “dữ dằn” bao nhiêu. Rõ là:
Roses are red,
Violets are blue,
Purple or not,
It's up to You.
- Tài liệu tham khảo:
1. Hành Sơn, Christoph Schiller, dịch giả: Cao Sĩ Sơn.
6. Nguồn hình ảnh:
- Hoa hồng Blue Sky: chính chủ.
- Hoa hồng Blue For You (by Milan Havlis): https://www.havlis.cz/karta_en.php?kytkaid=1863
- Hoa hồng Rainy Blue (by Kitarou Foo):






Nguồn: Sưu tầm 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét