Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA HỒNG

Bài viết mang tính chia sẻ, giới thiệu cách mình làm chất trồng và chăm sóc hoa hồng với các bạn chưa biết, chưa hiểu và trồng hồng văn nghệ từ vài cây tới vài trăm cây.
Nội dung bài viết gồm các phần liên quan đến việc làm giá thể; phân bón và sử dụng phân bón; bệnh, cách phòng và xử lý bệnh; chăm sóc hoa hồng...
PHẦN I - GIÁ THỂ
I. THÀNH PHẦN, TỶ LỆ CÁC CHẤT TRONG GIÁ THỂ
Tùy theo cách chăm sóc mà giá thể có thể trộn như thế nào. Nhà vườn họ chăm cây cách khác nên đôi khi các bạn thấy chẳng trộn gì cả. Ở đây, mình giới thiệu về giá thể cho những bạn trồng chơi.
Với mình, giá thể trồng hồng cần phải đảm bảo các tiêu chí: GIÀU DINH DƯỠNG, NHIỀU VI SINH VẬT CÓ LỢI VÀ CÓ ĐỘ TƠI XỐP VỪA PHẢI
1. GIÀU DINH DƯỠNG
Theo chuyên gia Alan Titchmarsh, hồng cần rất nhiều dinh dưỡng. Dinh dưỡng có sẵn trong đất là không đủ cho nó. Để giá thể trồng hồng đủ dinh dưỡng, ngoài nguồn có sẵn trong đất, ta nên bổ sung thêm từ nguồn ngoài.
- Dinh dưỡng có sẵn trong đất:
Ở Miền Nam, nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên khá sẵn nguồn đất đỏ bazan. Đất đỏ khai thác từ các mỏ đất ở Đồng Nai chưa qua canh tác trồng trọt khá tơi, mịn, màu đỏ sậm, bóng, chứa nhiều khoáng chất (độ phì nhiêu tự nhiên cao). Đất đỏ có khả năng chống rửa trôi khoáng chất và giữ ẩm khá tốt nên đây là thành phần cực kỳ quan trọng trong chất trồng của mình.
Giá đất đỏ đẹp tại VT khoảng 1.000.000 - 1.200.000 vnđ/xe 6 khối
DINH DƯỠNG BỔ SUNG TỪ NGUỒN NGOÀI
Phân dê: là nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất phù hợp với hồng. Theo một số tài liệu thì phân dê chứa khoảng 3%N, 1%P, 2%K và nhiều trung, vi lượng cần thiết cho cây Fe, Bo, Ca, Zn, Mg, ....Phân dê tan khá chậm, các thành phần khoáng ở dạng muối không cao nên không làm cháy rễ. Các hạt phân dê tròn lâu tan làm thoáng đất. Ngoài ra nó là chất giữ ẩm cực tốt nếu rải phân dê trên bề mặt chất trồng.
Nhược điểm của phân dê là chứa các hạt cây dại nên thường xuyên phải nhặt cỏ và phải xử lý ấu trùng của bọ cánh cứng có thể cắn rễ hồng khi thành sâu (sùng) đất. Sùng đất có thể tồn tại 9-10 tháng trong chất trồng trước khi chuyển sang giai đoạn hóa nhộng. Loại này cắn rễ ghê gớm nên chuyên gia nổi tiếng Alan Titchmarsh đưa hẳn vô sách của mình để cảnh báo giới trồng hồng. Thực tế giá thể trộn phân dê đã xử lý cây rất sung, nụ nhiều, bông đẹp. 
Trùn quế: phân trùn quế, loại còn kén, trứng giun, trùn con là nguồn cung cấp dinh dưỡng thường xuyên và làm cho chất trồng trở nên thoáng khí
Phân tan chậm (nếu có điều kiện): Việc trộn phân tan chậm, tốt nhất là loại tan chậm có kiểm soát (controlled release fertilizer), có thành phần các đa, trung, vi lượng phù hợp với hồng hoặc loại chuyên cho hồng, sẽ bổ sung dinh dưỡng từ từ cho cây trong khoảng thời gian dài (3,6,8,12...tháng tùy loại). Loại phân này sẽ cung cấp khoáng chất liên tục cho cây với liều lượng vừa đủ, cây không bị sốc phân, cháy rễ, cháy lá...hiệu quả sử dụng phân cao hơn gấp nhiều lần các loại phân thông thường ta đang bón (phân bón thông thường hiệu quả cây sử dụng phân chỉ đạt 35-40%, phần còn lại bị rửa trôi ra môi trường, phân tích tụ lâu ngày làm hư chất trồng). Phân tan chậm (CRF) dùng chuyên cho hồng thì giá rất cao, khoảng 700k-1.000k/kg tùy thương hiệu, nhưng tính ra nó khá tiết kiệm vì hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian chăm bón. Đây là lý do tại sao Tây họ chỉ bón phân 1-2 lần/năm mà cây vẫn đủ dinh dưỡng cho hoa bạt ngàn
Về phân bón, mình sẽ làm một bài riêng vì nó khá dài dòng, không thể gói gọn vài ngàn từ mà trình bày đủ cho nhau nghe.
2. NHIỀU VI SINH VẬT CÓ LỢI
Để làm việc này chủ yêu là bổ sung Trichoderma, EM loại chứa nhiều chủng nấm đối kháng và vi khuẩn có lợi. Thường mình dùng loại của HCL Hà Nội để bổ sung vi sinh khi làm chất trồng.
3. ĐỘ XỐP GIÁ THỂ VỪA PHẢI
Chất trồng quá xốp khoáng chất sẽ dễ bị rửa trôi. Chất trồng nhiều đất quá, rễ khó phát triển, thêm việc lâu ngày bón phân, tưới nước, chất hữu cơ phân hủy dần, PH giảm làm cho chất trồng sẽ dần dần tăng độ trơ, bí, ảnh hưởng sự phát triển của bộ rễ, làm giảm khá năng hút nước và lấy khoáng chất cho cây. 
Để giá thể có độ tơi xốp vừa phải, mình dùng các thành phần chủ yếu sau:
- Sơ dừa loại đã cắt nhỏ: xơ dừa làm cho giá thể tơi xốp, thoáng khí. Thực tế chất trồng có tỷ lệ xơ dừa phù hợp cây thường phát triển rất tốt, bộ rễ rất mạnh. Xơ dừa có khả năng giữ ẩm tốt, bốc hơi nước chậm, phù hợp với điều kiện vườn nhiều nắng, hoặc các bạn không nhiều thời gian để tưới. Nếu trồng ít thì các bạn có thể ngâm nhiều nước, trong đó có 1 lần ngâm nước vôi để xả bớt chất chát trong xơ dừa. Trồng nhiều thì...khỏi. Chất trồng được trộn tỷ lệ xơ dừa phù hợp sẽ rất nhàn cho việc tưới. Nhà mình thì mùa khô chỉ tưới sơ 1 lần buổi sáng, còn mùa mưa thì chủ yếu tưới lá chứ không tưới gốc.
- Trấu tươi, trấu hun hay tro trấu
Thành phần này chủ yếu tạo độ xốp cho chất trồng, tuy nhiên, trong vỏ trấu sống có khá nhiều loại vitamin làm kích thích cây ra rễ, nảy chồi, trấu hun hay tro trấu chứa nhiều Kali và một số khoáng chất phù hợp với hồng
- Ngoài ra, trong chất trồng còn được trộn thêm khoảng 5% các loại như xỉ than đập nhỏ (loại đã đốt, đập ra không bị nát vụn) để tăng độ thoáng khí cho cây, bã café, vỏ trứng vụn...
ĐỀ XUẤT TỶ LỆ CÁC CHẤT TRONG GIÁ THỂ:
1. Đất đỏ: 30%
2. Phân dê: 15%
3. Phân trùn quế: 10%
4. Xơ dừa: 20%
5. Trấu tươi: 10%
6. Trấu hun hoặc tro trấu: 10%
7. Xỉ than, bã café, vỏ trứng: 5%
II. TRÌNH TỰ LÀM GIÁ THỂ
1. XỬ LÝ SÂU BỆNH TRONG PHÂN DÊ:
Nếu có thời gian, điều kiện thì nên đào hố bỏ phân dê vô để xử lý. Tưới nước để ẩm, để khoảng 1 tháng cho trứng con bọ cánh cứng nở thành con. Sau đó rải diazan (hoặc cazinon, vibasu..) 10GR trộn đều để xử lý sâu bệnh trong phân. 
Không có điều kiện ta có thể trộn thuốc vô phân rồi trộn chung với chất trồng. Tuy nhiên, cách này diệt sâu đất không hết vì sẽ làm loãng nồng độ thuốc. Ngoài ra, thuốc có thể làm chết trùn quế, buộc ta phải bổ sung nuôi trùn sau.
2. TRỘN VÀ Ủ CHẤT TRỒNG
Chọn chỗ trộn rộng, rải từng lớp đất đỏ, sơ dừa, trấu, phân dê, trùn quế, bã café, vỏ trứng, Trichoderma, EM (nếu là loại nước thì pha tưới sau)...rồi đảo đều. Nếu có điều kiện chuẩn bị trước, ta nên tưới nước và ủ chất trồng một thời gian. Trong thời gian ủ, dưới tác động của các vi sinh vật, chất trồng được cải thiện về mặt cấu trúc, trở nên thoáng khí, giàu dinh dưỡng hơn, sâu bệnh và vi sinh vật có hại giảm khi cây trồng đã ổn định bộ rẽ ta sẽ bổ sung nấm rễ cộng sinh Mycorrhizas sau.
Để có giá thể trồng hồng tốt không khó, nhưng duy trì dinh dưỡng và bảo vệ giá thể được lâu bền, giàu vi sinh vật, động vật có lợi hay không đều phụ thuộc vào chúng ta cả nhé. Các bạn cứ bón phân, các phụ phẩm phân bón quá nhiều, tưới thuốc tùm lum vô chất trồng thì cùng lắm 1 năm là phải thay chất trồng thôi. Mà thay chất trồng là việc làm ngại nhất đối với các con nghiện.
PHẦN II PHÂN BÓN VÀ CÁCH SỬ DỤNG PHÂN BÓN
PHẦN III BỆNH, CÁCH PHÒNG VÀ XỬ LÝ BỆNH
PHẦN IV.....Mình sẽ thu thập và bổ sung sau
Nguồn: Facebook - Kỹ thuật chăm sóc hoa hồng (Mr. Lâm Lâm)




0 nhận xét:

Đăng nhận xét