Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

PHÒNG VÀ XỬ LÝ SÂU BỆNH

Phòng và xử lý sâu bệnh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh là điều chúng ta phải nằm lòng vì để tới khi bệnh nặng rồi, xử lý khá là mệt mỏi. Với hồng, mình xin chia ra 2 loại như sau:
A-Bệnh phát sinh từ chất trồng: 
Cho đến giờ, đa số anh chị em trồng hồng nghiệp dư như chúng ta rất mơ hồ về chuyện này. Chủ yếu chúng ta quan tâm nhiều vào các bệnh nhìn thấy bằng mắt thường như bệnh do côn trùng chích hút (trĩ, nhện), một số bệnh do nấm gây đốm đen, thán thư, sương mai...Nhưng thực tế các bệnh như u sùi, đen hay thối thân mới là những bệnh nguy hiểm dẫn đến cây còi cọc, kém phát triển, hoặc chết mà k cứu được. Các bệnh này phát sinh chủ yếu từ phía dưới mặt chậu, nơi chúng ta không nhìn thấy.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Do một số côn trùng sống trong chất trồng làm tổn thương rễ như rệp sáp bám hút dinh dưỡng, sâu (sùng) đất cắn rễ...chúng không chỉ làm cây giảm khả năng lấy nước và khoáng chất nuôi cây, làm cây suy yếu, còn để lại những vết thương, đó là những vị trí tốt nhất để vi khuẩn có hại tấn công gây bệnh
- Do tuyến trùng: một số loài tuyến trùng trong chất trồng (động vật rất nhỏ, không thấy được bằng mắt thường), đặc biệt là các loài sống ký sinh và bán ký sinh là những loại gây hại cho cây. Chúng chích hút chất dinh dưỡng của cây, để lại độc tố, làm rễ cây bị nghẽn mạch, phình to ra (thành các khối u lớn dưới gốc), khả năng hút nước, khoáng chất giảm, dẫn đến cây suy dần, là điều kiện tốt để các vi khuẩn gây bệnh tấn công qua từ rễ. Một số loài tuyến trùng sống trong đất (không sống ký sinh trong rễ) chích hút chất từ rễ là nguyên nhân gây thối rễ, thối thân. Chất trồng có ẩm độ cao,  PH thấp, cây nhiều rễ mật độ tuyến trùng sẽ cao
Biện pháp:
1. - Xử lý chất trồng trước khi trồng: Làm chất trồng thế nào thì nhiều bạn nhà ta đã có những bài giới thiệu kèm clip. Các bạn có thể tham khảo ở bài xử lý chất trồng mình sẽ up sau
Ở đây, mình chỉ nói thêm là chất trồng hồng nên đủ tơi xốp, giàu dưỡng chất, thoát nước đủ tốt, nhưng vẫn đảm bảo giữ ẩm và khoáng chất không bị rửa trôi. 
Để chất trồng đạt yêu cầu, đảm bảo ít sâu bệnh, tuyến trùng có hại thì nhất định phải duy trì hệ vi sinh vật, trong đó có các vi sinh vật có lợi và hệ thiên địch trong chất trồng
Đề xuất cụ thể theo thứ tự:
- Xử lý sâu hại trong phân chuồng (dê, bò...) trước khi trộn vô chất trồng: tưới nước để ẩm khoảng 2-3 tuần, sau đó rải thuốc có hoạt chất Diazinon 10% (dạng bột): DIAZAN, DIAPHOS, CAZINON, VIBASU...10GR. Thuốc có hoạt chất này hiện nó bị loại (bắt đầu từ tháng 08/2019) không cho sử dụng, nhưng ta vẫn có thể mua được khá dễ dàng. Các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, vi sinh giải quyết vấn đề này không hiệu quả lắm, nên mình không dám giới thiệu. 
- Ủ chất trồng: tùy theo điều kiện cụ thể từng nhà, nếu có điều kiện thì nên đào hố (hoặc bồn chứa, thùng...) để chứa, ủ chất trồng, nuôi vi sinh vật có lợi (đối kháng, cố định đạm...) trong chất trồng. Thường thì việc này nên đơn giản là trộn  trichoderma loại chất lượng, chứa ít nhất 10x10^9 tỷ bào tử/gr gồm nhiều chủng nấm đối kháng, vi khuẩn có lợi thuộc các chủng Bacillus, vi khuẩn cố định đạm Paenibacillus...Thị trường rất nhiều loại tricho, trong đó có loại bổ sung cả đa, trung, vi lượng, mình thấy không cần thiết. Loại tricho nào chất lượng, các bạn tự tìm hiểu thêm nhé. Trộn phân, sơ dừa (đã ngâm xử lý chát), trấu, tricho...để ủ. Trùn quế nên bổ sung sau khoảng vài tháng để tránh tác dụng của diazinon
2. Phòng và xử lý bệnh trong chất trồng sau khi trồng:
- Xử lý tuyến trùng: Sau khi trồng, cây đã phát triển tốt, ta nên lưu tâm việc xử lý sâu bệnh, trong đó có các côn trùng chích hút (trĩ, nhện...) và tuyến trùng. Một số thuốc với các hoạt chất có nguồn gốc sinh học xử lý khá tốt vấn đề này như Emamectin benzoat (các thuốc có tên: Chim ưng 20WV, Rholam 50WP, Actimax 50WDG, Emavua 50Wg..) hoạt chất Azadirachtin trong hạt neem (tên sản phẩm: neem cake, neem india...) chất Chitosan (Kaido 50WP, Chitosan super...). 
- Lưu ý rằng: có rất nhiều thuốc có nguồn gốc hóa chất có thể xử lý tuyến trùng, vi khuẩn gây bệnh. Nhưng khi đã trồng ổn định, nếu đưa hóa chất vào chất trồng để xử lý, chúng ta vô tình diệt luôn cả hệ thiên địch, vi sinh vật có lợi nằm trong đó. Vi sinh vật nghèo nàn, đất mất khả năng chuyển hóa dinh dưỡng, mất độ tơi xốp, bộ rễ sẽ khó có thể phát triển mạnh khỏe. Hãy luôn nói: "KHÔNG VỚI VIỆC PHUN THUỐC GỐC HÓA CHẤT VÔ ĐẤT SAU KHI TRỒNG"
- PH trong đất trồng: sau một thời gian trồng, thường PH của đất xuống thấp (<5.5), cây dễ bị ngộ độc vì tình trạng một số vi chất tăng mạnh, là môi trường tốt cho tuyến trùng và vi sinh vật có hại phát triển, cây suy yếu, thiếu chất, èo ọt, mầm bé, hoa đẹt...Nguyên nhân chính là do tình trạng sử dụng phân bón gốc quá nhiều, quá dày, cũng như việc dùng nhiều các loại chế phẩm phân bón đưa vô chất trồng. Ngoài ra PH thấp một phần không nhỏ do vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ giải phóng H+ làm môi trường chất trồng có tính acid nhiều hơn.
Giải pháp đề nghị: Hạn chế bón phân gốc quá nhiều, quá dày, nhất là phân vô cơ, cũng như các phụ phẩm phân bón có tính acid. Tăng cường việc sử dụng phân có nguồn gốc tự nhiên, phân hữu cơ bón qua lá. Vài tháng có thể dùng nước vôi trong pha loãng tưới gốc để trung hòa môi trường chất trồng. Nếu có điều kiện, có thể mua dụng cụ đo PH đất để kiểm tra. PH cho hồng, theo mình biết nên ở mức 6.5-7.0 là đẹp.
(Phần B - phòng và trị bệnh phía trên chất trồng, mình sẽ cập nhật sau. Nếu anh chị em có nhu cầu)
Với kiến thức, kinh nghiệm hạn chế, bài viết chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Rất mong anh chị em góp ý mang tính xây dựng để mình có thể bổ sung kiến thức cho bản thân. 
Xin chân thành cảm ơn!
Nguồn: Lâm Lâm 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét